LỜI NÓI ĐẦU
Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa thành lập vào tháng 7 năm 1975. Tháng 11/1975, sau khi sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên thành tỉnh Phú Khánh, Đảng bộ đổi tên thành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Phú Khánh.
Tháng 6 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách ra thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa cũng được tái lập. Năm 2003, Đảng bộ được đổi tên thành Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa. Đến tháng 6 năm 2010, Đảng bộ được đổi tên thành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa.
Từ ngày đầu thành lập đến nay, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa đã luôn bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh, không ngừng vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng của Đảng bộ Khối trong Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
Để đánh dấu một chặng đường phấn đấu phát triển và trưởng thành trong 40 năm mà Đảng bộ Khối đã đạt được, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối biên soạn, hiệu chỉnh và hoàn thành cuốn sách Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa 40 năm hình thành và phát triển 1975 - 2015.
Đây là nguồn thông tin sử liệu bổ ích và thiết thực nhằm góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, tình cảm tốt đẹp của các thế hệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Khối.
Trong quá trình biên soạn và xuất bản sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, đảng viên và bạn đọc, nhằm tiếp tục bổ sung, nâng cao chất lượng cuốn sách trong những dịp tái bản sau.
Cũng nhân dịp này, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tạo điều kiện và cộng tác để cuốn sách Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa 40 năm hình thành và phát triển 1975 - 2015 được hoàn thành và ra mắt.
BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY
KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA
CHƯƠNG I
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
ĐẢNG BỘ DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH KHÁNH HÒA -
ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA
Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam là một tổ chức thống nhất về chính trị, tư tưởng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là một đội ngũ có tổ chức chặt chẽ, khoa học. Tính tổ chức của Đảng thể hiện trước tiên ở chỗ Đảng là một hệ thống thống nhất các cấp tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong hệ thống đó, các tổ chức cơ sở (bao gồm chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở) được thành lập tùy theo tình hình thực tế ở từng địa bàn, đơn vị khác nhau và trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau, tạo thành nền tảng của Đảng và luôn luôn là hạt nhân lãnh đạo chính trị, bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng có hiệu quả ở cơ sở, đồng thời trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng.
Xuất phát từ những nguyên tắc mang tính cơ bản trên, từ khi được thành lập, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng phát triển, xây dựng hệ thống cơ sở đảng nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau tại địa phương.
Sau ngày 30/4/1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Khánh Hòa đã bước vào một giai đoạn cách mạng mới, vừa phải khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại và tập trung phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội để ổn định đời sống của nhân dân, vừa ra sức củng cố chính quyền và tập trung lực lượng chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ gìn trật tự trị an xã hội... Cùng với việc kiện toàn các Ban Đảng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thành lập Đảng bộ các cơ quan cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy. Do vậy, đầu tháng 7/1975, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập. Đồng chí Nguyễn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Nghiềm làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn làm Phó Bí thư. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố tổ chức, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ.
Công tác chính trị tư tưởng được coi trọng. Cán bộ, đảng viên được học tập những vấn đề cơ bản về lý tưởng của Đảng, về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác vận động quần chúng. Thông qua học tập chính trị giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách, tư tưởng chiến lược tiến công, quan điểm quần chúng và lập trường giai cấp của Đảng.
Các cơ sở đảng trực thuộc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, trên tinh thần phát huy sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân trong tỉnh qua những tháng sau ngày giải phóng đã dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách giữ vững trật tự trị an, từng bước ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc và chính sách xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Các Ty mới được thành lập và kiện toàn cùng các đơn vị, đoàn thể trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời quán triệt lời nhắc nhở của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, nhân chuyến vào thăm và làm việc tại tỉnh về giải quyết tốt vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, học tập của nhân dân, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.
Tháng 8/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa Ⅲ) họp Hội nghị lần thứ 24. Hội nghị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, giải thể các Khu ủy ở cả hai miền, sáp nhập một số tỉnh thành những đơn vị hành chính kinh tế với quy mô cần thiết.
Ngày 20/10/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19-NQ/TW về điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Theo chủ trương của Trung ương, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Khánh.
Đến ngày 17/11/1975, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Khánh đã ban hành Quyết nghị số 648/QN/TC do đồng chí Lê Sâm (Lê Trọng Khoan), Phó Bí thư Tỉnh ủy ký, thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Phú Khánh (trên khuôn dấu khắc tên Đảng bộ Chính Dân Đảng tỉnh Phú Khánh) trên cơ sở hợp nhất hai Đảng bộ Dân Chính Đảng Khánh Hòa - Phú Yên.
Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Phú Khánh được chỉ định gồm 15 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 5 đồng chí: Nguyễn Lương, Nguyễn Nghiềm, Thái Long, Nguyễn Xuân Sơn, Quyết Tâm, Bùi Thị Phấn. Đồng chí Nguyễn Lương làm Bí thư, các đồng chí Nguyễn Nghiềm và Thái Long làm Phó Bí thư. Năm 1976 đồng chí Nguyễn Sơn, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy được bổ sung làm Phó Bí thư.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi được thành lập, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh Phú Khánh đã gấp rút ổn định tổ chức và kiện toàn cấp ủy các cơ sở đảng trực thuộc, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy đảng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, cũng như góp phần tham mưu và chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Phú Khánh đã đề ra.
Ngày 20/02/1978, với chủ trương để các cơ sở đảng đi sát với tình hình ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Quyết định số 14-QĐ/TW. Thực hiện những nội dung của quyết định này, ngày 20/5/1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh đã ra Quyết định số 72-QĐ/TU do đồng chí Nguyễn Phụng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ký, giải thể Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và chuyển các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh về sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố Nha Trang và Đảng bộ các huyện trong tỉnh.
Sau khi giải thể Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh được 5 năm, căn cứ vào Quyết định số 12-QĐ/TW, ngày 08/11/1982 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về hệ thống chỉ đạo các đảng bộ cơ quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh đã ra các quyết định thành lập 7 Đảng ủy Khối, bao gồm:
Đảng ủy Khối Dân Đảng
Đảng ủy Khối Tuyên huấn
Đảng ủy Khối Khoa giáo
Đảng ủy Khối Chính quyền
Đảng ủy Khối Kinh tế - Công nghiệp
Đảng ủy Khối Nông nghiệp
Đảng ủy Khối Phân phối Lưu thông
Các quyết định do đồng chí Nguyễn Phụng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ký ngày 25/5/1983, đồng thời chỉ định Ban Chấp hành của các Đảng bộ Khối và điều động một số đồng chí đang công tác ở một số đơn vị về các Đảng ủy Khối. Các đồng chí được giữ chức Bí thư, Phó Bí thư của Đảng ủy các Khối trong thời gian này là:
Đồng chí Phạm Cư, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Dân Đảng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm làm Phó Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Duy Mẫn, Bí thư Đảng ủy Khối Tuyên huấn. Đồng chí Đặng Chí Hải làm Phó Bí thư.
Đồng chí Đào Duy Sang, Bí thư Đảng ủy Khối Khoa giáo. Đồng chí Võ Văn Hội làm Phó Bí thư.
Đồng chí Lý Kỳ Tâm, Bí thư (chuyên trách) Đảng ủy Khối Chính quyền. Đồng chí Hoàng Sỹ Quỳ làm Phó Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Văn Vấn, Bí thư (chuyên trách) Đảng ủy Khối Kinh tế - Công nghiệp. Đồng chí Trần Khắc Quỳnh làm Phó Bí thư.
Đồng chí Hoàng Tám, Bí thư Đảng ủy Khối Nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm Phó Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Tân, Bí thư Đảng ủy Khối Phân phối Lưu thông. Đồng chí Trần Đắc Nhị làm Phó Bí thư.
Thời gian Đảng bộ các Khối ra đời cũng là thời gian Đảng bộ tỉnh Phú Khánh vừa tiến hành xong Đại hội đại biểu lần thứ Ⅲ. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ Ⅲ, các Đảng bộ Khối trong giai đoạn này đã có nhiều nỗ lực trong tất cả các mặt công tác, góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu cơ bản của tỉnh trong giai đoạn 1983 - 1985 và thực hiện Nghị quyết Đại hội của từng Đảng bộ Khối.
Tuy nhiên, căn cứ vào sự chỉ đạo của Trung ương và qua thực tiễn hoạt động của các Đảng ủy Khối cơ quan, nhằm giúp Tỉnh ủy chỉ đạo tốt hơn nữa công tác xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của các cơ quan tỉnh, ngày 31/3/1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 863-QĐ/TU do đồng chí Nguyễn Phụng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ký sáp nhập 7 Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh Phú Khánh. Cũng trong Quyết định này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ định Ban Chấp hành của Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh gồm 15 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 5 đồng chí: Quyết Tâm, Lý Kỳ Tâm, Nguyễn Ngọc Tâm, Đặng Chí Hải, Lê Tấn Chỉ. Đồng chí Quyết Tâm, Tỉnh ủy viên, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh làm Bí thư và đồng chí Lý Kỳ Tâm làm Phó Bí thư chuyên trách.
Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh Phú Khánh có 72 cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 22 đảng bộ và 50 chi bộ cơ sở thực hiện theo Quy định 34 và 48 của Ban Bí thư. Cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh chiếm 68,2% (qua bàn giao năm 1985), 40 cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh hai năm 1984 - 1985. Bên cạnh việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù gặp không ít khó khăn sau khi thành lập, nhưng trong thời gian này, Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh đã tập trung chỉ đạo kiện toàn hệ thống tổ chức của các cơ sở đảng trực thuộc cũng như chỉ đạo cho các đơn vị cơ sở tiến hành đại hội và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứⅠ.
Từ đầu tháng 8 đến ngày 05/9/1986, tất cả 72 cơ sở đảng trực thuộc đã hoàn tất việc tổ chức đại hội. Từ ngày 23 đến ngày 27/9/1986, Đại hội Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh Phú Khánh lần thứⅠđã được tiến hành với sự tham dự của 200 đại biểu đại diện cho 1.923 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đi sâu bàn biện pháp thực hiện các nhiệm vụ, phương hướng nhiệm kỳ 1986 - 1988 của Đảng bộ, đồng thời tập trung đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Ⅵ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ Ⅳ của Đảng bộ tỉnh Phú Khánh. Đại hội Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh lần này đã bầu 46 đại biểu đi dự đại hội cấp trên và bầu Ban Chấp hành mới của Đảng bộ gồm 33 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí: Quyết Tâm, Nguyễn Ngọc Tâm, Đặng Chí Hải, Lê Tấn Chỉ, Trần Quang Nhất, Bùi Thị Hồng Tiến, Nguyễn Văn Thám, Nguyễn Tiến Anh, Trần Đặng. Đồng chí Quyết Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Đặng Chí Hải làm Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên giáo. Đồng chí Lê Tấn Chỉ làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
Qua Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ Ⅳ, đồng chí Quyết Tâm được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy thì đồng chí Phạm Cư, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy sang làm Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh.
Trong các ngày từ 05 đến 18/12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Ⅵ đã được tiến hành tại Hà Nội, mở ra đường lối đổi mới của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Ⅳ, Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở đảng trên các mặt. Một trong những vấn đề nổi bật trong công tác tư tưởng là Đảng bộ triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L được toàn Đảng, toàn dân cả nước hưởng ứng. Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh Phú Khánh đã bám sát thực tế, tham mưu cho Tỉnh ủy và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc để góp phần thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, trong đó có 3 Chương trình trọng điểm do Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 3 khóa Ⅳ đề ra bao gồm: Chương trình lương thực thực phẩm, Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và Chương trình xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 1988, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đều có những chuyển biến rõ nét so với các năm trước. Trên lĩnh vực kinh tế, tổng sản lượng lương thực qui thóc của toàn tỉnh đạt 41,6 vạn tấn (tăng 2,7 % so với năm 1987); kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 triệu Rúp - USD; thu nộp ngân sách đạt 32 tỷ đồng (tăng 4,5 lần so với năm 1987).
Nhìn chung, trong hai năm 1987 và 1988, Đảng bộ các cơ quan tỉnh lãnh đạo các tổ chức đảng trực thuộc nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong của cán bộ, đảng viên để thực sự là hạt nhân lãnh đạo, động viên phát huy vai trò làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đoàn kết cùng quần chúng xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, góp phần tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Việc học tập, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng được quan tâm tổ chức nghiêm túc; tăng cường giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa, chống mọi biểu hiện sa sút ý chí chiến đấu, mọi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện 4 chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức; chăm lo giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, thi hành nghiêm túc chính sách và pháp luật Nhà nước. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng quy chế làm việc theo Quyết định 34 của Trung ương về Quy chế làm việc của đảng ủy, chi ủy các cơ quan tỉnh. Thường xuyên duy trì quan hệ tốt giữa Đảng với quần chúng, cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, với các tổ chức quần chúng. Tổ chức sinh hoạt Đảng bảo đảm 3 tính chất: lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu. Chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy, chi bộ thực hiện nhận xét đánh giá cán bộ, đảng viên theo định kỳ hàng năm; thực hiện nề nếp lấy ý kiến phê bình của quần chúng đối với đảng viên. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng được Đảng ủy các cơ quan tỉnh và các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc nghiêm túc thực hiện.
Đến đầu năm 1989 Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh lập ban tổ chức chuẩn bị tiến hành Đại hội lần thứⅡ do đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Quyền Bí thư làm Trưởng ban. Tuy nhiên, vào ngày 04/3/1989, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Quyết định số 83-QĐ/TW, tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ về công tác tổ chức: “… Sắp xếp bộ máy tổ chức và cán bộ, đảm bảo chính sách cán bộ; đảm bảo sau khi chia tách tỉnh sẽ phát huy tốt năng lực đội ngũ cán bộ hiện có và giải phóng năng lực sản xuất; đảm bảo công tác an ninh quốc phòng; đảm bảo phân chia tài sản theo nguyên tắc công bằng, hợp lý và có sự đoàn kết nhất trí cao; chú ý đến công tác tư tưởng của Đảng bộ hai tỉnh…”.
Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, trong hai ngày 14 và 15/3/1989, Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 14 đã thảo luận và đã có sự thống nhất cao về các biện pháp thực hiện Quyết định trên của Bộ Chính trị, trong đó có công tác sắp xếp bộ máy và phân bổ, bố trí cán bộ chủ chốt ở hai tỉnh. Ngày 30/6/1989, căn cứ vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5-Quốc hội Khóa Ⅷ, tỉnh Phú Khánh được tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên.
Để kịp thời ổn định tình hình sinh hoạt của các cơ sở đảng, ngay sau khi Quyết định chia tách tỉnh có hiệu lực, vào ngày 06/6/1989, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh, đồng chí Bùi Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã ký Quyết định số 744-QĐ/TU về việc giải thể các đảng bộ trực thuộc gồm Đảng bộ Các Cơ quan tỉnh Phú Khánh, Đảng bộ Khối Kinh tế tỉnh Phú Khánh và Đảng bộ Công an tỉnh Phú Khánh; đồng thời ký Quyết định 745-QĐ/TU thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa. Quyết định cũng đã chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ gồm 19 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí: Trần Như On, Lê Tấn Chỉ, Nguyễn Văn Thám, Bùi Thị Hồng Tiến. Đồng chí Trần Như On (Phó Bí thư Đảng ủy Khối Kinh tế) làm Phó Bí thư Đảng ủy lâm thời. Đồng chí Lê Tấn Chỉ làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Cơ quan chuyên trách của Đảng ủy có 05 đồng chí.
Đến tháng 12/1989, đồng chí Huỳnh Thọ, Phó Bí thư Huyện ủy Diên Khánh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh.
Khi được thành lập, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa có 103 cơ sở đảng, trong đó có 59 cơ sở đảng thuộc khối cơ quan, đơn vị quản lý kinh tế, sản xuất, kinh doanh và 44 cơ sở đảng thuộc khối cơ quan hành chính sự nghiệp với tổng số 2.616 đảng viên, trong đó có 2.466 đảng viên chính thức và 150 đảng viên dự bị.
Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa được thành lập trong bối cảnh tình hình đất nước và tỉnh nhà đứng trước nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế - xã hội chưa thật ổn định, cơ cấu kinh tế, sản xuất kinh doanh ngừng trệ, đời sống của cán bộ, đảng viên còn nhiều thiếu thốn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng cơ sở đảng còn yếu; công tác sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ, giảm biên chế gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tình hình tư tưởng và tổ chức ở cơ sở chưa ổn định từ việc phân công đảng viên, cán bộ, nhân viên công tác ở Khánh Hòa, Phú Yên, giải quyết tự nguyện nghỉ theo chế độ, một số cán bộ nhân viên dôi ra chưa được sắp xếp. Một số cơ quan, đơn vị do tách nhập chưa được quyết định cụ thể nên về tổ chức đảng, đoàn thể chưa ổn định, tình hình đó có ảnh hưởng đến việc chỉ định cấp ủy cơ sở. Công tác tư tưởng ở nhiều cơ sở đảng bị lúng túng. Biên chế của cơ quan chuyên trách của Đảng ủy quá ít so với chức năng nhiệm vụ và khối lượng công việc.
Với chức năng được giao, ngay trong tháng 6/1989, Đảng ủy lâm thời của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã tiến hành phiên họp đầu tiên, phân công công tác cụ thể cho từng Ủy viên Ban Chấp hành theo dõi các mảng công tác, gấp rút ổn định tổ chức và đề ra các nhiệm vụ. Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh tập trung vào trọng tâm góp phần cùng Tỉnh ủy lãnh đạo tư tưởng trong sắp xếp biên chế, tổ chức cán bộ, củng cố xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong từng đơn vị sau chia tỉnh, để sớm ổn định công tác, sản xuất kinh doanh, đưa các cơ quan, đơn vị của tỉnh nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ tập trung quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa Ⅵ, quán triệt 5 nguyên tắc cơ bản của Đảng trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới cũng như động viên cán bộ, đảng viên ổn định tư tưởng, giữ vững đoàn kết nội bộ.
Đảng ủy tập trung hoàn thành việc kiểm tra lại số lượng và hồ sơ đảng viên, hoàn thành thủ tục thành lập các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc và chỉ định một số cấp ủy nhằm kịp thời ổn định vai trò của đảng ủy, chi ủy ở cơ sở. Ngoài ra, Đảng ủy đã phân công, chỉ đạo tốt việc tổ chức đại hội cơ sở đảng và kiện toàn cơ quan chuyên trách của Đảng ủy theo hướng gọn và mạnh để đủ sức thực hiện chức năng nhiệm vụ của cấp trên giao.
Đảng ủy tiến hành công tác kiện toàn Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy lâm thời và các ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở đảng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp trong tình hình mới, củng cố lực lượng tự vệ ở cơ sở, phát động đảng viên, quần chúng hưởng ứng phong trào phòng gian bảo mật làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch và các phần tử xấu.
Về công tác đoàn thể, Đảng ủy đã tiến hành các bước nhằm củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý, trong sản xuất kinh doanh ở cơ quan, đơn vị và tổ chức nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, chỉ đạo và phối hợp tiếp nhận bàn giao cơ sở Đoàn Thanh niên Các Cơ quan tỉnh và kiện toàn củng cố Đoàn Thanh niên Dân Chính Đảng tỉnh.
Đến cuối năm 1989, Đảng bộ đạt 24,6% cơ sở đảng vững mạnh, 60% cơ sở đảng khá, trên 97% đảng viên đủ tư cách, phát triển được 198 đảng viên mới. Kiểm tra chấp hành Điều lệ Đảng với gần 70% đảng viên, trong đó 1,4% đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Xử lý kỷ luật 120 trường hợp, trong đó khai trừ và xóa tên 22 đảng viên, khiển trách 2 chi bộ, cảnh cáo 1 chi ủy. Có 67% cơ sở đoàn thanh niên vững mạnh, 20,5% cơ sở công đoàn vững mạnh.
Từ tháng 6/1989 đến tháng 01/1990, có thể nói là một thời gian không dài nhưng với những kết quả đạt được, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định vai trò trách nhiệm của mình, đáp ứng kịp thời những yêu cầu tình hình của tỉnh nhà trong điều kiện mới. Cùng với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong thời gian này, Đảng ủy cũng đã tập trung mọi mặt để tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứⅠ.
Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa hoạt động sang nhiệm kỳ thứ hai 1991 - 1996 thì đến năm 1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ra Quyết định số 1267-QĐ/TU ngày 30/5/1995 thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Thực hiện quyết định này, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh tiến hành việc chia tách Đảng bộ, chuyển nhiều cơ sở đảng công ty, xí nghiệp và chuyển cán bộ trong cơ quan chuyên trách sang Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, trong đó đồng chí Trần Như On sang làm Bí thư.
Đến năm 2003, từ Hướng dẫn số 14-HD/TC TW ngày 22/11/2002 của Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Đảng ủy Khối cơ quan Dân Chính Đảng trực thuộc tỉnh, thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 365-QĐ/TU ngày 07/10/2003, do đồng chí Bùi Mau, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ký về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của Đảng ủy Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa. Từ đó Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa chuyển sang tên gọi Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa.
Đến năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 293-QĐ/TW, ngày 23/3/2010 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố. Ngày 08/6/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 987-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa, do đồng chí Nguyễn Văn Tự, Bí thư Tỉnh ủy ký. Từ đó Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa đổi tên gọi Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa.
Tháng 7/1975, là mốc thời gian đầu tiên thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa, từ đó đến nay là Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa, tròn 40 năm thành lập. Với quá trình hình thành và phát triển, Đảng bộ Khối khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong Đảng bộ tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển trong công cuộc đổi mới toàn diện, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Khánh Hòa.
CHƯƠNG Ⅱ
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ DÂN CHÍNH ĐẢNG
TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ Ⅰ
VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NHIỆM KỲ 1990 - 1991
I. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ I
Vào cuối thập niên 80 thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn thách thức, các nước Đông Âu đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội, chính trị; Đảng Cộng sản ở nhiều nước bị mất vai trò lãnh đạo. Ở nước ta, công cuộc đổi mới bước đầu đạt được những thành tựu, song tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn đứng trước những khó khăn gay gắt.
Tại Khánh Hòa, sau những ngày đầu chia tách tỉnh, ở từng cơ quan, đơn vị, trong quá trình triển khai các mặt hoạt động, bước đầu có những ưu điểm nhưng cũng không tránh khỏi thiếu sót. Trong khi đó, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 1990 được đặt ra rất nặng nề. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cơ cấu kinh tế đã được xác định và các mặt hoạt động kinh tế - xã hội đã từng bước đi dần vào ổn định, việc bố trí lao động xã hội từng bước được điều chỉnh. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứⅠđược tiến hành từ ngày 02/01 đến ngày 05/01/1990 tại thành phố Nha Trang. Tham dự Đại hội có 194 đại biểu đại diện cho 99 tổ chức cơ sở đảng và trên 2.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Bùi Hồng Thái, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xác định:
“Đảng bộ Dân Chính Đảng bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng và chính quyền cấp tỉnh, bao gồm các sở ban ngành, các công ty, xí nghiệp, một số trường và các binh chủng thông tin đại chúng. Hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đều tham gia sinh hoạt trong các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Dân Chính Đảng. Xét về cơ cấu tổ chức và đội ngũ đảng viên, thì đây là một đảng bộ lớn...
Qua việc chia tách tỉnh, đảng viên, cán bộ được phân công về 2 tỉnh mới cũng là một biến động có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tổ chức và nhiệm vụ của Đảng bộ. Mỗi lần thay đổi tổ chức là thay đổi nhiệm vụ. Những biến động đó có ảnh hưởng không ít đến sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Đảng ủy cùng với Đảng bộ đã có nhiều cố gắng lãnh đạo công tác tư tưởng, làm tốt công tác tư tưởng trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, đời sống cán bộ, đảng viên có nhiều thiếu thốn và trong lúc tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Hướng Đảng bộ vào mục tiêu là hoàn thành nhiệm vụ chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ vững quan điểm, lập trường của người đảng viên cộng sản, xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở vững mạnh.
Sau khi chia tỉnh, Đảng bộ Dân Chính Đảng được thành lập. Trong bối cảnh chia tách tỉnh có nhiều khó khăn, phức tạp, Đảng bộ Dân Chính Đảng đã góp phần cùng Tỉnh ủy nhanh chóng ổn định tổ chức cơ sở đảng, sắp xếp bộ máy và cán bộ, sớm đưa các hoạt động trong tỉnh trở lại bình thường... Đó là thành tích cơ bản”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vấn đề:
“Mỗi tổ chức cơ sở phải xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình. Đảng ủy căn cứ nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng theo hướng tinh giản biên chế, phát huy hiệu quả. Bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghiên cứu điều chuyển bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo và quản lý; phát huy đúng khả năng, sở trường của cán bộ. Kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.
Đổi mới nội dung sinh hoạt các tổ chức cơ sở đảng. Phát huy dân chủ, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. Có chế độ nhận xét định kỳ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý; xem xét tư cách đảng viên.
Tổ chức đảng phải bám sát phát động phong trào quần chúng, đảng viên phải làm nòng cốt và đi đầu trong các phong trào. Thông qua phong trào quần chúng mà phát triển đảng viên mới. Thông qua mức độ hoàn thành nhiệm vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên mà chọn đề bạt cán bộ.
Đảng ủy phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng thời sự, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Giáo dục quan điểm lập trường, ý chí cách mạng, xác định mục tiêu lý tưởng cho đảng viên. Trong bất cứ tình huống nào cũng giữ một lòng tin Đảng. Chống mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động và các hiện tượng tiêu cực khác. Đảng viên phải phục tùng tổ chức, khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Tăng cường đoàn kết nội bộ, chống chia rẽ, bè phái, địa phương cục bộ làm ảnh hưởng đến sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng và Đảng bộ. Công tác bảo vệ Đảng trong lúc này cần phải được coi trọng”.
Với tinh thần đổi mới, trí tuệ và đoàn kết, Đại hội đã đi sâu kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác sau hai năm, kể từ khi Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa được thành lập, chỉ ra những thành tích và hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ. Đại hội đã tập trung phân tích đặc điểm tình hình thực tế, trên cơ sở đó đề ra phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ thứⅠ (1990 - 1991) là:
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ Ⅵ của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy và phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Căn cứ vào đặc điểm tình hình của tỉnh mới tái lập cũng như của từng cơ sở để từ đó tập trung lãnh đạo, xây dựng cơ sở đảng vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các Quy chế 34, 48-QC/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quy định 03-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phát huy truyền thống cách mạng, đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong học tập, rèn luyện quan điểm, phẩm chất, năng lực, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững kỷ cương của Đảng và Nhà nước, nâng cao sức chiến đấu để đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc đổi mới. Ra sức phát huy vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đoàn thanh niên và tổ chức công đoàn cơ sở trong việc đóng góp xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nghiêm túc chấp hành mọi chủ trương chính sách, phát huy trách nhiệm và sáng kiến trong tổ chức việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cơ quan, đơn vị và chấp hành tốt Quyết định 176/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Đại hội xác định trong năm 1990, nhiệm vụ trung tâm của Đảng ủy và các cơ sở đảng trực thuộc là bằng mọi biện pháp, chỉ đạo và phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tăng cường đấu tranh, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, khắc phục mọi biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ, ảnh hưởng đến việc tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch nhiệm vụ, góp phần ổn định tổ chức Đảng và tổ chức Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và cơ sở với tinh thần đổi mới.
Trên cơ sở của phương hướng chung, Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trên các mặt công tác chính gồm:
Về công tác chính trị tư tưởng, tập trung giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên nắm vững các nguyên tắc cơ bản trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và các chính sách chủ trương lớn của Đảng về xây dựng kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; nắm vững tình hình quốc tế, tình hình trong nước và trong tỉnh để từ đó nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, củng cố và phát huy quyền làm chủ của người lao động, phát huy những nhân tố mới và triệt để chống tiêu cực trong từng cơ sở đảng và trong cán bộ, công nhân viên. Trước hết phải làm cho toàn thể đảng viên, cán bộ nhận thức rõ vị trí, tính chất của Đảng bộ, nhận thức đúng trách nhiệm chính trị của mình trong tình hình và điều kiện mới để ra sức phấn đấu xây dựng nội bộ Đảng, nội bộ cơ quan, đơn vị và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó đi sâu triển khai một số biện pháp như: Xây dựng nề nếp sinh hoạt, thường xuyên đấu tranh xây dựng đoàn kết nội bộ, chống các biểu hiện cơ hội, tiêu cực, bè phái, cục bộ địa phương trong từng cơ sở đảng và cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ, công khai, nâng cao tính chiến đấu, đồng thời bảo vệ bí mật của Đảng, bí mật quốc gia; kiên quyết chống mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu tính tập thể, vô ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm kỷ cương và luật pháp, chấp hành không nghiêm các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mới, tuân thủ quy chế công tác, quy trình làm việc, chống bệnh quan liêu, giấy tờ, phô trương hình thức, thiếu trách nhiệm, ngại va chạm; xây dựng lối sống văn minh, giản dị, lành mạnh.
Về công tác tổ chức Đảng, Đại hội đã xác định: trong điều kiện chuyển sang thực hiện cơ chế quản lý mới, để phát huy vai trò chủ động sáng tạo của đơn vị kinh tế cơ sở, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, các tổ chức cơ sở đảng có vai trò hết sức quan trọng, phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị trong các tập thể lao động và là người kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cơ quan. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ là phải tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, để mỗi đảng bộ, chi bộ và cấp ủy cơ sở thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo và tham gia xây dựng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Cơ sở đảng có trách nhiệm lãnh đạo quần chúng tham gia xây dựng nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác, sản xuất, kinh doanh; các cơ sở đảng có trách nhiệm tham gia xây dựng kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, kể cả tham gia việc quyết định bố trí, đề bạt, khen thưởng đối với cán bộ của Đảng trong cơ quan, đơn vị; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong cơ quan, đơn vị, củng cố, xây dựng các tổ chức quần chúng như đoàn thanh niên và công đoàn trở thành những cơ sở vững mạnh; tập trung củng cố và xây dựng đội ngũ đảng viên đủ tư cách và đạt danh hiệu “Đảng viên phấn đấu tốt” phù hợp với giai đoạn mới; các cơ sở đảng phải tiến hành tốt công tác phát triển đảng viên mới, đủ tiêu chuẩn, chất lượng. Đối tượng kết nạp đảng trước hết phải chú ý đến lực lượng trẻ, những công nhân trực tiếp sản xuất, đội ngũ trí thức và phụ nữ đang công tác, sản xuất, kinh doanh ở các cơ sở.
Về công tác kiểm tra và bảo vệ Đảng, Đại hội xác định đây là một chức năng quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng mà trước hết là của các cấp ủy và có sự tham gia đóng góp của quần chúng. Trọng tâm công tác này trong nhiệm kỳ là tăng cường kiểm tra ở các cơ sở đảng, trong đó có kiểm tra về công tác lãnh đạo của cấp ủy trong việc triển khai và chấp hành nghị quyết, chỉ thị cũng như kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng; tổ chức quán triệt Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 8-NQ/TU của Tỉnh ủy Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, qua đó chú trọng và làm tốt công tác bảo vệ Đảng và cơ quan, đơn vị trong tình hình mới, ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn của địch chống phá cách mạng nước ta, đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện làm ảnh hưởng không tốt sự đoàn kết thống nhất nội bộ trong tình hình mới tách tỉnh.
Về công tác lãnh đạo quần chúng, quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, Đảng bộ xác định trong tình hình mới, công tác quần chúng có vị trí hết sức quan trọng. Trọng tâm công tác này trong nhiệm kỳ 1990 - 1991 là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng con người mới có giác ngộ lý tưởng, tổ chức cho quần chúng phê bình xây dựng Đảng; chăm lo lợi ích chính đáng của công nhân viên chức theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và vận động tốt nội dung “Nhân dân kiểm tra Đảng và Nhà nước, đồng thời nhân dân cũng tự kiểm tra nhau trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”; phát động các phong trào thi đua sôi nổi của cán bộ, công nhân viên chức góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng lần thứⅠđã thông qua kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời và bầu ra Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 1990 - 1991 gồm 37 đồng chí. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí: Trần Như On, Huỳnh Thọ, Nguyễn Thảo, Lê Tấn Chỉ, Trương Quang Công, Nguyễn Văn Thám, Ngô Dưỡng, Đào Duy Sang, Nguyễn Quang Châu. Đồng chí Trần Như On được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Huỳnh Thọ được bầu làm Phó Bí thư. Đồng chí Lê Tấn Chỉ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Đại hội đại biểu lần thứⅠcủa Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa thành công, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, với tinh thần đoàn kết, xây dựng và đổi mới, Đại hội đã tạo nên sự phấn khởi trong toàn Đảng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
II. Quá trình thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả đạt được của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh trong nhiệm kỳ 1990 - 1991
Tình hình thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tình hình kinh tế của đất nước nói chung, trong đó có Khánh Hòa ở giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn. Sự chuyển biến quá chậm so với yêu cầu của công cuộc đổi mới đề ra. Tình hình sản xuất kinh doanh ở nhiều nơi còn ách tắc, đình trệ, thua lỗ kéo dài. Nhiều xí nghiệp chưa bắt nhịp và vươn lên được trong cơ chế mới. Có nơi chưa trả đủ lương cho công nhân, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thuộc ngành thương nghiệp quốc doanh. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức gặp rất nhiều khó khăn, giá trị đồng lương quá thấp so với giá cả thị trường. Nhiều tệ nạn cũng đã xuất hiện như vỡ huê hụi hay sự làm ăn thiếu trách nhiệm dẫn đến đổ bể, không trả tiền cho dân của các tổ chức tín dụng... đã làm rối ren thêm tình hình, làm cho nhiều quần chúng, đảng viên thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
Trước tình hình trên, ngay sau Đại hội Đảng bộ lần thứⅠthành công, bám sát Nghị quyết do Đại hội đề ra, đồng thời bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ đã tiến hành đồng bộ nhiều mặt công tác và đạt được nhiều kết quả tích cực.
1- Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Sự sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và sự tan vỡ của Liên Xô cuối năm 1991, sự bùng nổ của cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh cùng tình hình kinh tế - xã hội trong nước chưa thoát ra khỏi khủng hoảng đã tác động không nhỏ đến nhận thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số người đã tỏ ra lo lắng, thậm chí có sự dao động thiếu tin tưởng, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, hoài nghi về sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Một bộ phận khác lo lắng, thiếu an tâm về đời sống và việc làm, bất bình về tình hình tham nhũng, thiếu kỷ cương coi thường pháp luật.
Trước tình hình nghiêm trọng đó, xác định tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng, Đảng bộ đã tập trung triển khai, quán triệt các Nghị quyết 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Ⅵ, các nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Đặc biệt toàn Đảng bộ đã học tập quán triệt kịp thời Nghị quyết 8A-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tình hình các nước XHCN, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta”. Để việc quán triệt các nghị quyết này có hiệu quả cao, Đảng ủy đã tiến hành mở những lớp học tập cho cán bộ, đảng viên chủ chốt, đội ngũ trí thức, sau đó hướng dẫn các cơ sở đảng tổ chức cho đảng viên và quần chúng học tập quán triệt, coi đây là những đợt sinh hoạt chính trị và đề ra chương trình hành động của cấp mình. Thông qua học tập, quán triệt nghị quyết, các cơ sở đảng đã đi sâu phân tích tình hình chính trị trong nước, thế giới, từ đó củng cố nhận thức chính trị của đảng viên và cán bộ, quần chúng, tạo ra sự nhất trí, đồng thuận cao đối với nội dung các nghị quyết của Đảng, xác định lập trường về con đường tất yếu phải đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chống tư tưởng đa nguyên, đa đảng, chống mọi biểu hiện đi ngược lại đường lối quan điểm của Đảng.
Trong năm 1990 và bước sang đầu năm 1991, toàn Đảng bộ, qua sinh hoạt chính trị, đã sôi nổi phát huy trí tuệ, dân chủ, thẳng thắn đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, kịp thời chấn chỉnh những nhận thức lệch lạc, củng cố lòng tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Riêng Nghị quyết 8B-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Về công tác quần chúng của Đảng trong tình hình mới được Đảng bộ tập trung triển khai, quán triệt, đã góp phần nhanh chóng khơi dậy không khí dân chủ, tạo được sự đồng tình của quần chúng, tạo điều kiện để quần chúng tích cực góp ý xây dựng Đảng, thể hiện tâm tư tình cảm với Đảng. Qua các đợt sinh hoạt này, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh được Tỉnh ủy đánh giá là một trong những Đảng bộ đã tiến hành tốt công tác sinh hoạt chính trị.
Ngoài ra, trong suốt nhiệm kỳ 1990 - 1991, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh cũng đã thường xuyên triển khai các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhằm tăng cường giáo dục về quan điểm tư tưởng, giáo dục truyền thống.
Đảng ủy cũng đã thành lập tổ báo cáo viên. Ngoài việc kịp thời tổ chức các buổi nói chuyện thời sự trong nước, quốc tế, kịp thời thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cơ sở, tổ báo cáo viên đã phối hợp cùng đội ngũ bí thư cơ sở đảng, thủ trưởng đơn vị để thường xuyên truyền đạt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày. Trong năm 1990 và quí 1/1991, các cơ sở đảng thuộc Đảng bộ đã tổ chức gần 10 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị ngắn ngày cho 420 đảng viên, chưa kể các lớp bồi dưỡng phát triển đảng viên mới và lớp học quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ Ⅶ của Đảng.
2- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Ⅵ, dưới sự lãnh đạo cụ thể và kịp thời của Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhiệm vụ trọng tâm của công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh nhiệm kỳ 1990 - 1991 là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhằm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt công tác này, bên cạnh việc nắm vững các chỉ tiêu, kế hoạch cũng như các nhiệm vụ của các đơn vị có cơ sở đảng trực thuộc để nhắc nhở, đôn đốc, Đảng ủy cũng đã thường xuyên phân công cán bộ tham gia giải quyết những vướng mắc hoặc tham gia đề xuất để Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời giải quyết những khó khăn trong hoạt động ở các đơn vị, nhất là ở các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như ở các cơ quan có chức năng tham mưu của tỉnh.
Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 26/12/1990, trong phần đánh giá về kết quả một năm sau khi chia tách tỉnh đã nêu: “Đời sống của nhân dân từng bước ổn định và nâng lên rõ rệt, lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú. Trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bước đầu đã có những ký kết dự án lâu dài với một số nước; sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và một số xí nghiệp như đông lạnh, thuốc lá đã phát huy hiệu quả…”.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù nền kinh tế của tỉnh trong năm 1990 phát triển chưa cao, nhưng đời sống của nhân dân trong tỉnh đã từng bước được nâng lên, các lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những bước phát triển, tình hình an ninh chính trị được ổn định. Để tạo nên những thành tích này, có sự đóng góp đáng kể của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh.
3- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng
Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứⅠđã xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về tổ chức là: Tiếp tục xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, liên hệ mật thiết với quần chúng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, làm tốt công tác phát triển đảng viên mới đi đôi với việc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, trong suốt nhiệm kỳ 1990 - 1991, công tác chỉ đạo xây dựng Đảng được Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh tiến hành khá chặt chẽ. Đảng ủy đã phân công cụ thể từng Đảng ủy viên theo dõi, phụ trách các cơ sở. Các chủ trương của Đảng bộ trước khi triển khai đều được bàn bạc thống nhất do tập thể lãnh đạo và giải quyết theo các nguyên tắc và quy định của Điều lệ Đảng.
Sau Đại hội Đảng bộ lần thứⅠ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm về công tác xây dựng cơ sở đảng vững mạnh trong 2 năm 1988 - 1989. Qua kết quả phân loại, toàn Đảng bộ có 7 cơ sở đảng vững mạnh, 67 cơ sở khá, 23 cơ sở yếu kém. Căn cứ theo tiêu chuẩn do Trung ương quy định, chỉ có 25% số cơ sở có nề nếp khá chặt chẽ, 50% số cơ sở thiếu tính vững chắc và không toàn diện, 25% số cơ sở chuyển biến chậm. Từ cơ sở phân loại trên, Đảng ủy đã cùng với cấp ủy các cơ sở đảng trực thuộc tiến hành rà soát và củng cố, bổ sung các biện pháp nhằm tạo ra những chuyển biến mới ở từng cơ sở. Những cơ sở đảng thiếu cấp ủy viên đã kịp thời được bổ sung, những cơ sở có cấp ủy viên thiếu năng lực được đưa ra xem xét, thay thế.
Đến đầu năm 1991, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh có 106 đầu mối gồm 30 đảng bộ và 76 chi bộ cơ sở. Đã giải thể 4 cơ sở, chuyển đi 1 và thành lập 8 cơ sở mới.
Song song với công tác tập trung xây dựng cơ sở đảng, Đảng ủy kiểm tra hoạt động quản lý, xây dựng quy chế làm việc giữa cấp ủy cơ sở, thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành các đoàn thể theo Quy chế 34 của Ban Bí thư Trung ương. Hầu hết các cấp ủy cơ sở đã được củng cố kiện toàn, giữ vững nề nếp sinh hoạt, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình, phê bình và tổ chức cho quần chúng góp ý xây dựng Đảng theo định kỳ, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ.
Từ đầu năm 1990 đến tháng 4/1991, Đảng bộ đã kết nạp được 95 đảng viên mới, đã tổ chức trao tặng 122 huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và làm thủ tục cấp 230 thẻ đảng cho đảng viên chính thức. Về phân loại đảng viên, đến đầu năm 1991 toàn Đảng bộ có 2.335 đảng viên, trong đó qua phân loại có: 71,3% đảng viên đủ tư cách loại A; 19,6% đảng viên đủ tư cách loại B và 9,1% đảng viên vi phạm tư cách, có 58 đảng viên bị xử lý kỷ luật.
4- Công tác kiểm tra
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ lần thứⅠthành công, song song với việc triển khai các mặt công tác khác, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy đã tiến hành rà soát và tiến hành nhiều biện pháp nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy kiểm tra ở các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Những cơ sở đảng chưa có ủy ban kiểm tra, hoặc có nhưng thiếu, đều được chỉ đạo bầu bổ sung. Ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy đã phối hợp chặt chẽ với các Ban của Tỉnh ủy, với Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy, Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan đến các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong Đảng bộ.
Trọng tâm trong công tác kiểm tra của Đảng bộ trong giai đoạn này là tổ chức, chỉ đạo để các tổ chức cơ sở đảng tiến hành kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng về cuộc vận động làm trong sạch nội bộ Đảng, tăng cường sức chiến đấu của tổ chức đảng gắn liền với chủ trương chống tham nhũng, chống buôn lậu, đồng thời kiểm tra đảng viên nhằm chuẩn bị phục vụ yêu cầu Đại hội Đảng các cấp. Ngoài ra, căn cứ vào chức năng được giao, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy đã thường xuyên bám sát tình hình ở các tổ chức cơ sở trực thuộc, xử lý hoặc chỉ đạo để cấp ủy ở các tổ chức cơ sở xử lý các trường hợp đảng viên vi phạm nguyên tắc công tác tổ chức, kỷ luật của Đảng cũng như mắc phải các khuyết điểm khác. Trong nhiệm kỳ, đã xử lý kỷ luật 41 trường hợp đảng viên vi phạm, giải quyết 25 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của đảng viên và quần chúng.
Nhìn chung, công tác kiểm tra của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1990 - 1991 được tiến hành tích cực, góp phần thúc đẩy cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 62 của Ban Bí thư, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần vào kết quả chung trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ.
5- Công tác lãnh đạo đoàn thể
Hầu hết các cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh trong nhiệm kỳ 1990 - 1991 đều thuộc Khối các cơ quan tham mưu của tỉnh và các đơn vị sản xuất kinh doanh, do đó, đa số cán bộ, công nhân viên chức ngoài Đảng ở các đơn vị trên đều được đào tạo tốt, có trình độ lý luận chính trị, có kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, có tay nghề khá trở lên, trong đó một số là cán bộ chủ chốt của các phòng, ban, công ty, xí nghiệp. Đây là lực lượng có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của công tác lãnh đạo quần chúng của Đảng, trong giai đoạn này, cùng với việc tập trung tổ chức quán triệt Nghị quyết 8B-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động tỉnh nhằm củng cố các tổ chức đoàn và công đoàn trong khối, đồng thời chỉ đạo để các tổ chức đoàn thể ở cơ sở phát động các phong trào thi đua trong thanh niên và trong cán bộ, công nhân viên chức, qua đó thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị mình.
Về công tác thanh niên, sau Đại hội Đoàn Dân Chính Đảng lần thứⅠ(vào đầu năm 1990), với sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Đảng ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Khánh Hòa, cùng với sự nỗ lực của đoàn viên thanh niên cũng như sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, hầu hết các tổ chức cơ sở đoàn trong khối đã tiếp tục được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định. Đội ngũ ban chấp hành đoàn và cán bộ chuyên trách trong khối được phân công theo dõi công tác một cách cụ thể và đa số đều nhiệt tình, gắn bó với cơ sở, đoàn kết nhất trí trong chỉ đạo xây dựng cơ sở đoàn. Đặc biệt trong thời gian này, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo cho các cơ sở đảng trực thuộc quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và tiến hành kế hoạch chỉ đạo khảo sát đánh giá cơ sở đoàn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Nhờ công tác chỉ đạo sâu sát và sự nỗ lực, phấn đấu tốt của lực lượng đoàn viên thanh niên trong khối, đến cuối năm 1990, Đoàn Dân Chính Đảng có 83 cơ sở trực thuộc với trên 2.800 đoàn viên, trong đó qua phân loại, có 21,3% cơ sở đoàn vững mạnh; 36,1% loại khá; 9,3% diện yếu.
Về công tác công đoàn, mặc dù không có tổ chức công đoàn cùng cấp, song Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và các cấp ủy cơ sở thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và Liên đoàn Lao động thành phố Nha Trang để lãnh đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở thực hiện Chỉ thị 17 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng công đoàn vững mạnh và tạo mọi điều kiện để đoàn viên công đoàn phấn đấu vươn lên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình cũng như tham gia các hoạt động nhằm góp phần nâng cao đời sống. Trong năm 1990, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh cũng đã chỉ đạo để các tổ chức công đoàn cơ sở tiến hành Hội nghị công nhân viên chức, phát huy tinh thần dân chủ của đoàn viên công đoàn ở các đơn vị, qua đó trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để tìm biện pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ban Thanh tra nhân dân ở các công ty, xí nghiệp được kiện toàn và hầu hết đều hoạt động tốt, nhiều đoàn viên công đoàn đã tích cực tham gia phát hiện và mạnh dạn trong đấu tranh chống tiêu cực, quản lý tài sản, góp phần xây dựng phương thức quản lý mới. Cuối năm 1990, qua kiểm tra, phân loại, trong tổng số cơ sở công đoàn thuộc khối có 23,58% đạt vững mạnh; 25,75% loại khá; 40,67% đạt trung bình và 10% đạt loại yếu.
Về hạn chế, khuyết điểm:
Công tác xây dựng cơ sở đảng vững mạnh trong giai đoạn này chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ. Ở một số cơ sở đảng thuộc các đơn vị sản xuất kinh doanh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một bộ phận đảng viên chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình đặt ra trong công cuộc đổi mới.
Nguyên nhân:
Tình hình thực tế một số đơn vị sản xuất kinh doanh còn khó khăn nên việc quan tâm công tác xây dựng Đảng còn thiếu tập trung.
Quan niệm công tác đảng ở cơ sở chủ yếu là làm công tác đảng vụ còn phổ biến.
Một số cán bộ, đảng viên còn thiếu an tâm nhất là liên quan đến đời sống thực tế, chưa nhận thức hết tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đánh giá chung:
Trong nhiệm kỳ 1990 - 1991, dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh chưa thoát khỏi khủng hoảng, nhưng Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, kịp thời đề ra những biện pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả những mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đảng bộ đã có bước chuyển biến tốt trong công tác xây dựng cơ sở đảng vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên trong công tác, học tập, rèn luyện phẩm chất và năng lực để vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng.
Kinh nghiệm thực tiễn trong nhiệm kỳ:
Kinh nghiệm quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ đó là coi trọng và tăng cường mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng. Từ những sự kiện lớn có tác động mạnh như sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô và sau thực hiện vấn đề chia tách tỉnh, với kết quả tích cực của công tác giáo dục chính trị tư tưởng càng khẳng định bài học tăng cường sự lãnh đạo chính trị tư tưởng trong Đảng bộ.
Công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải xác định là trọng tâm lãnh đạo đồng thời với tập trung thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh. Vai trò trách nhiệm của cấp ủy cơ sở là yếu tố quan trọng.
CHƯƠNG Ⅲ
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ DÂN CHÍNH ĐẢNG
TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ Ⅱ
VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NHIỆM KỲ 1992-1995
I. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ Ⅱ
Sau 5 năm thực hiện đường lối Đại hội Ⅵ của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung, ở Khánh Hòa nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu đã khắc phục được cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình đổi mới ở giai đoạn này còn rất mới mẻ đối với cán bộ, nhân dân. Những thói quen, quan niệm của thời bao cấp cũng như các mặt tiêu cực của cơ chế thị trường bắt đầu bộc lộ cùng với những sơ hở trong quản lý điều hành... Thêm vào đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô tan rã đã tác động mạnh và làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh ấy, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ đầu năm 1991, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã chỉ đạo tiến hành tốt công tác tổ chức đại hội đảng ở cấp cơ sở trực thuộc và tập trung chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứⅡ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứⅡ tiến hành tại thành phố Nha Trang từ ngày 12/4/1991 đến 15/4/1991 (vòng 1) và từ ngày 15/01/1992 đến 18/01/1992 (vòng 2). Tham dự Đại hội có 194 đại biểu chính thức thay mặt cho 2.250 đảng viên thuộc 105 cơ sở đảng của Đảng bộ.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội và Đảng bộ quan tâm: Đảng bộ đã thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, trong đó làm tốt việc triển khai thực hiện nghị quyết của cấp trên, nhất là công tác chính trị tư tưởng. Mặt yếu trong Đảng bộ là có một số cơ sở đảng, đảng viên còn yếu kém, cần phải xác định nguyên nhân cụ thể. Cần chú trọng đến nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, đề cao ý thức chấp hành nghị quyết. Đảng bộ quan tâm hơn đến chức năng lãnh đạo tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn giáo dục chính trị tư tưởng với nhiệm vụ chính trị. Đảng bộ có nhiều đầu mối cơ quan chức năng của tỉnh. Do vậy việc lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị có tác động rất lớn đến tỉnh, góp phần rất hiệu quả vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần tập trung xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp, bảo vệ đội ngũ giám đốc giỏi. Chống biểu hiện tách rời sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Cần chú ý về chức năng, mối quan hệ giữa Đảng ủy Dân Chính đảng, các đảng đoàn, ban cán sự và cơ sở đảng.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, thảo luận sôi nổi, Đại hội đã nhất trí thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳⅠ(1990 - 1991), trong đó nhấn mạnh một số nét chung về ưu điểm, khuyết điểm của Đảng bộ.
Về ưu điểm: Đảng bộ đã phát huy những mặt thuận lợi, tích cực, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy, đồng thời đã xây dựng được chương trình, kế hoạch và tổ chức tốt các biện pháp thực hiện. Đảng bộ đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và đưa các hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở vào nề nếp, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ trên lĩnh vực tư tưởng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng củng cố từng bước mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể. Cán bộ, đảng viên được củng cố một bước về nhận thức chính trị, xác định lập trường tư tưởng vững vàng, chống đa nguyên, đa đảng, phát huy được vai trò nhiệm vụ của người đảng viên, thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao.
Về khuyết điểm: Đảng bộ còn chậm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện cuộc vận động xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Ở một số cơ sở đảng việc chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý đảng viên còn lỏng lẻo; hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, bè phái, mất đoàn kết với mức độ khác nhau còn biểu hiện trong cán bộ, đảng viên. Nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể thiếu sức thuyết phục, phong trào có phần giảm sút. Nhìn chung, công tác xây dựng Đảng chưa toàn diện và thiếu sắc bén.
Đại hội đã xác định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳⅡ của Đảng bộ (1992 - 1995) bao gồm các nội dung chính:
- Về công tác chính trị tư tưởng, trước mắt tập trung chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt Cương lĩnh chính trị, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 và các Nghị quyết Đại hội Ⅶ của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ Ⅻ của Đảng bộ tỉnh. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, của bí thư và thủ trưởng đơn vị đối với công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới. Tổ chức học tập, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục lập trường kiên định về xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên, chống tư tưởng cơ hội, hoài nghi, dao động, biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, cục bộ bè phái, mất dân chủ, trù dập quần chúng, gây mất đoàn kết nội bộ.
- Nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt là tập trung xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng nề nếp sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, nâng cao công tác tổ chức cán bộ, công tác phát triển đảng viên mới, công tác bảo vệ nội bộ.
- Tăng cường công tác kiểm tra trong việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và việc chấp hành quy chế làm việc của cấp ủy, mối quan hệ làm việc giữa cấp ủy và thủ trưởng, kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra và công tác tổ chức trong việc thực hiện chỉnh đốn Đảng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đảng viên, trước hết đối với đảng viên là cán bộ chủ chốt.
- Đẩy mạnh công tác quần chúng, coi đây là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, là một tiêu chuẩn để đánh giá tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng, định kỳ tổ chức cho quần chúng góp ý đảng viên và góp ý xây dựng tổ chức đảng, nắm được mối quan hệ của cán bộ, đảng viên nơi cư trú và ở địa bàn cơ quan, xí nghiệp đứng chân. Tăng cường củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở các đoàn thể để thực sự phát huy vai trò đại diện quyền làm chủ và chăm lo lợi ích chính đáng của người lao động, chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể.
Đại hội đã bầu vào Ban Chấp hành của Đảng bộ nhiệm kỳ Ⅱ (1992 - 1995) gồm 33 đồng chí. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí: Trần Như On, Huỳnh Thọ, Nguyễn Thảo, Trương Quang Công, Nguyễn Văn Thám, Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Thị Minh Châu, Mai Trực, Đào Duy Sang, Lâm Đức Thanh. Đồng chí Trần Như On được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Huỳnh Thọ được bầu tiếp tục làm Phó Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Đến ngày 29/4/1994, Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh bầu bổ sung 2 đồng chí Phạm Phú, Nguyễn Xuân Hùng vào Ban Thường vụ.
II. Quá trình thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả đạt được của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1992 - 1995
Sau khi Đại hội Đảng bộ lần thứ Ⅱ thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1992 - 1995 đã tiến hành triển khai những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Thông qua các Hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành, các hội nghị sơ kết, tổng kết và đặc biệt thông qua Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ vào ngày 28 và 29/4/1994, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã tiếp tục bổ sung và triển khai nhiều nhiệm vụ cho sát với tình hình thực tế theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Kết quả hoạt động của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1992 - 1995 được thể hiện ở những nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:
1- Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Trong giai đoạn này, trước tình hình quốc tế có sự biến động và phức tạp, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn đã tác động đến nhận thức, tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng. Bên cạnh đó do sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và tình trạng thiếu kỷ cương coi thường pháp luật của một số cán bộ đã dẫn đến lòng tin vào Đảng bị giảm sút trong một bộ phận cán bộ và đảng viên.
Trước tình hình đó, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo định hướng tư tưởng nhất là sự kiên định về con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, tiếp tục chống tư tưởng đa nguyên, đa đảng, làm cho đảng viên và quần chúng nhất trí cao với quan điểm chủ trương của Đảng, đồng tình với việc xử lý kỷ luật các trường hợp thoái hóa về chính trị, đi ngược đường lối của Đảng.
Trong năm 1992, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức học tập quán triệt sâu 6 chuyên đề Nghị quyết Đại hội Ⅶ của Đảng. Đặc biệt trong thời gian này, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá Ⅶ) về quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 “Về đổi mới và chỉnh đốn Đảng” và “Chương trình hành động của Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 47 và Ban Thường vụ Đảng ủy đã có Đề án số 54, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Thông qua học tập, quán triệt, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng đã nhận thức được rằng Nghị quyết Trung ương 3 (khoá Ⅶ) đã định hướng kịp thời các nội dung về xây dựng Đảng trước tình hình mới để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Ban Thường vụ Đảng ủy đã chọn điểm chỉ đạo, có sơ kết rút kinh nghiệm và chỉ đạo bổ sung.
Cuối năm 1995 toàn Đảng bộ đã triển khai tốt việc quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng.
Trước tình hình mất đoàn kết, Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 7 tháng 11/1991 đã phân tích và khẳng định: “Tình hình mất đoàn kết nội bộ trong tỉnh từ khi chưa chia tỉnh đến nay có mặt nghiêm trọng, biểu hiện mất đoàn kết đã xảy ra ở một số đồng chí trong Tỉnh ủy, trong Hội đồng nhân dân, trong Ủy ban nhân dân tỉnh và một số địa phương, đơn vị”. Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 13/02/1992 về một số nhiệm vụ cấp bách giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ. Trong Nghị quyết nêu rõ: “Tổ chức một đợt sinh hoạt nhằm quán triệt nghị quyết ở các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các tổ chức cơ sở đảng để xem xét và có biện pháp xử lý tốt các hiện tượng mất đoàn kết. Những cá nhân, tập thể đã rõ là có hành động gây mất đoàn kết cần được xử lý nghiêm túc”. Ngày 03/03/1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 12-CT/TU về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã có Kế hoạch 18-KH/ĐUDCĐ hướng dẫn các đảng bộ và chi bộ thực hiện, trong đó nêu rõ: “Từng cơ sở đảng tổ chức sinh hoạt kiểm điểm, tự xác định có tình trạng mất đoàn kết trong đơn vị mình hay không. Nơi nào và đảng viên nào có biểu hiện mất đoàn kết thì tổ chức kiểm điểm đảng viên ở cơ sở đảng đó”. Qua bước quán triệt, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề mất đoàn kết kéo dài, nhưng thuộc phạm vi của Tỉnh ủy chứ không phải chủ yếu trong Đảng bộ, song cán bộ đảng viên trong Đảng bộ ủng hộ Nghị quyết là cơ sở để đấu tranh giải quyết mất đoàn kết trong Đảng bộ tỉnh, là dịp để mỗi tổ chức đảng và đảng viên liên hệ đánh giá thực trạng tình hình đoàn kết của đảng bộ, chi bộ mình, phân tích nguyên nhân, phê phán tác hại của những biểu hiện mất đoàn kết đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng và bày tỏ thái độ trách nhiệm góp phần đấu tranh giải quyết vấn đề mất đoàn kết. Từ đó, một số cơ sở đảng giới thiệu những đảng viên có liên quan đến vấn đề mất đoàn kết thuộc phạm vi trách nhiệm của tỉnh và một số cơ sở đảng tự xác định có những biểu hiện mất đoàn kết hoặc có mầm mống mất đoàn kết. Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo kiểm điểm ở cơ sở có vấn đề liên quan, thể hiện tính khách quan không thiên vị, có phương pháp làm việc có tính thuyết phục và sớm có kiến nghị góp phần giúp Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết mất đoàn kết. Đồng thời Đảng ủy tích cực chỉ đạo kiểm điểm, kết luận, khắc phục ở cơ sở đảng. Thông qua quán triệt, thực hiện, cấp ủy cơ sở đảng và đảng viên nhận rõ hơn vấn đề khắc phục tư tưởng cục bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ, thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng, thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn, đấu tranh chống mọi biểu hiện sai trái, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tạo nên những chuyển biến mới trong lĩnh vực công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ.
Song song công tác tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ 1992 - 1995, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã tiến hành tổ chức thường xuyên các buổi nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề tại các cơ sở đảng trực thuộc, kịp thời cung cấp thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Nhân các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị, Đảng ủy cũng đã tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị nhằm bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử của Đảng… Công tác bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới và cử cán bộ đảng viên theo học các lớp cao cấp, trung cấp chính trị luôn được Đảng ủy quan tâm, chỉ đạo để các cơ sở đảng trực thuộc thực hiện. Với phương châm luôn hướng về cơ sở, bám sát tình hình ở cơ sở nên Đảng ủy luôn theo sát thực tế, nắm được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, và mỗi khi phát hiện có tình trạng nhận thức lệch lạc, hoặc có hiện tượng sai trái về chính trị tư tưởng của đảng viên ở cơ sở, Đảng ủy đều kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục được tiến hành các biện pháp một cách đồng bộ và thường xuyên, liên tục nên tình hình chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh nhiệm kỳ 1992 - 1995 cơ bản được ổn định, góp phần đáng kể vào việc ổn định tình hình chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
2- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Là một Đảng bộ có số lượng đảng viên đông, trong đó có nhiều đảng viên là cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của các ban, ngành, đoàn thể, công ty, xí nghiệp trực thuộc tỉnh và của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Nha Trang, do đó công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được đặt ra với Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh khá đa dạng và nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài việc bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước cũng như kế hoạch chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra hằng năm, trong đó có Nghị quyết Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh nhiệm kỳ 1992 - 1995 đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Chấp hành theo dõi từng mảng công việc cụ thể nhằm kiểm tra, đôn đốc và phối hợp cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhiều chương trình hành động của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh gắn liền với những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn này đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả.
Từ năm 1991 đến cuối năm 1995, nền kinh tế của tỉnh đã bắt đầu có sự phát triển đáng kể. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tỉnh tăng bình quân hàng năm là 13% (gấp 1,9 lần so với năm 1990), bình quân đầu người đạt 3,4 triệu đồng/năm (bằng 310 USD). Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, bình quân hàng năm tăng 3,8%. Lương thực ổn định. Cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có nhiều chuyển biến. Hệ thống thủy lợi được phát triển, bảo đảm tưới tiêu cho 33 ngàn ha (tăng 6.000 ha so với năm 1990). Các chương trình trồng rừng như chương trình 327, chương trình PAM và các chương trình quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc chủng bước đầu được thực hiện tốt. Phong trào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản được mở rộng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cơ bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 21% (tăng gần 2 lần so với năm 1990). Tổng các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng năm đều tăng. Điện lưới quốc gia đã được đưa về tất cả các huyện lỵ và 85/128 xã, phường. Hệ thống giao thông đô thị, giao thông nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp và đến cuối năm 1995 xe ô tô đã có thể về tận tất cả các xã trong tỉnh. Hệ thống thông tin liên lạc được mở rộng và trang bị các thiết bị hiện đại. Các huyện đều có tổng đài điện thoại và 100/128 xã, phường đã có máy điện thoại. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch dịch vụ ngày càng nhiều. Kinh tế đối ngoại được mở rộng, đã có 17 dự án đầu tư được cấp giấy phép và triển khai với tổng số vốn trên 100 triệu USD. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhanh. Công tác tài chính, ngân hàng ngày có nhiều chuyển biến. Thu nộp ngân sách năm 1995 tăng 11 lần so với năm 1990.
Cùng với những thành tựu về kinh tế, từ năm 1991 đến năm 1995, các hoạt động trên các lĩnh vực y tế, dân số - gia đình và trẻ em, giáo dục, khoa học - công nghệ và môi trường, văn hóa, thể dục - thể thao… không ngừng được đầu tư, cải thiện. Các chính sách đối với người có công, đối với miền núi và công tác giải quyết việc làm từng bước được quan tâm giải quyết. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội thường xuyên ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân hàng năm được nâng lên rõ rệt.
Những thành tựu đáng phấn khởi trên đây là kết quả phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà, trong đó có sự nỗ lực và góp phần xứng đáng của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh với vai trò là một Đảng bộ có nhiều đảng viên giữ những trọng trách quan trọng trong công tác trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện những chương trình mũi nhọn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh.
3- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng
Căn cứ vào Điều lệ Đảng, trong nhiệm kỳ 1992 - 1995, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tiến hành đại hội nhiệm kỳ, đồng thời đề ra các biện pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt nhất là củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, thực hiện công tác phân loại chất lượng cơ sở đảng và đảng viên, phát triển đảng viên mới.
Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ có 105 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 24 đảng bộ và 81 chi bộ trực thuộc với 2.250 đảng viên. Cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ trong thời gian này bao gồm các loại hình: sản xuất kinh doanh có 49 cơ sở, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp có 56 cơ sở. Để thực hiện các Quy định 49/QĐ-TW, 51/QĐ-TW, 54/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ các loại hình chi bộ, đảng bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, Ban Thường vụ Đảng ủy đã hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng xây dựng Quy chế hoạt động ở tổ chức cơ sở mình. Việc xây dựng quy chế hoạt động của các cấp ủy được các cơ sở triển khai đồng bộ, nghiêm túc, nhờ đó mối quan hệ giữa cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị được tăng cường, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, góp phần giải quyết tình trạng bao biện, thiếu đồng bộ trong việc chỉ đạo, điều hành các mặt công tác. Đến tháng 6/1995, có một số cơ sở đảng mới được thành lập, nâng tổng số cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ lên 112 cơ sở. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1267-QĐ/TU ngày 30/5/1995 thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Do đó có 55 cơ sở đảng thuộc khu vực sản xuất kinh doanh từ Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh chuyển sang trực thuộc Đảng bộ mới thành lập. Đến cuối nhiệm kỳ, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh có 61 cơ sở đảng trực thuộc.
Mặc dù có nhiều biến động về số lượng cơ sở đảng, nhưng trong suốt nhiệm kỳ 1992 - 1995, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, công tác củng cố, xây dựng cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ thường xuyên được triển khai tốt.
Về công tác tổ chức kiểm điểm phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Đảng ủy đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về tổ chức, nhằm củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Để công tác này đạt yêu cầu, trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở phải làm đúng quy trình, làm từng bước, đúng thời gian quy định, có chỉ đạo điểm và phân công cán bộ theo sát những cơ sở có khó khăn, phức tạp. Khi phát hiện có cơ sở làm lướt, làm không đúng theo chỉ đạo thì kiên quyết chỉ đạo làm lại hoặc làm bổ sung. Nếu có đảng viên vi phạm thì kịp thời xử lý.
Nhờ tiến hành tốt nhiều biện pháp nên kết quả xây dựng củng cố chất lượng cơ sở đảng, đảng viên được nâng lên. Năm 1992 - 1993, Đảng bộ có 111 cơ sở, qua phân loại, cơ sở đạt trong sạch vững mạnh chiếm 16%, cơ sở đạt loại khá chiếm 73%. Năm 1994, cơ sở đạt trong sạch vững mạnh chiếm 25%, cơ sở đạt loại khá chiếm 63%. Cuối năm 1995 (sau khi chuyển một số cơ sở đảng sang Đảng bộ Khối Doanh nghiệp), Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh còn 61 cơ sở đảng, qua phân loại có 30 cơ sở đạt loại trong sạch vững mạnh, số còn lại đạt loại khá.
Về phân loại chất lượng đảng viên: toàn Đảng bộ, năm 1992 - 1993 có 2.003 đảng viên được phân loại (trên tổng số 2.144 đảng viên) trong đó đảng viên tiêu biểu đạt 8,84%, đảng viên đủ tư cách đạt 69,24%. Năm 1994, Đảng bộ có 2.081 đảng viên được phân loại (trên tổng số 2.197 đảng viên), trong đó đảng viên đủ tư cách đạt chiếm 86,83 %.
Nhờ tiến hành nghiêm túc công tác phân loại đảng viên và phân loại tổ chức cơ sở đảng nên cán bộ, đảng viên đã nâng cao trách nhiệm trong công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thể hiện đựơc tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Kết quả của công tác phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng cũng đã góp phần tổ chức tốt đại hội ở các cơ sở đảng. Đại hội các tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ trong năm 1994, hầu hết đều bầu được cấp ủy bảo đảm tiêu chuẩn, trong đó có trên 65% bí thư là cấp trưởng, cấp phó của cơ quan đơn vị. Đại hội các tổ chức cơ sở đảng đầu năm 1996 có 72,88% bí thư là lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan đơn vị. Cũng qua tiến hành tốt công tác này, chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ được đi vào nề nếp hơn trong sinh hoạt, tinh thần dân chủ, cởi mở trong sinh hoạt được nâng cao hơn.
Về công tác kết nạp đảng viên, thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng lần thứ Ⅱ, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và các cấp ủy ở cơ sở trong từng năm đều xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu để bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới.
Tháng 11/1993, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển đảng viên trong 3 năm (1990 - 1993). Hội nghị đã đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu trong công tác phát triển đảng viên ở các cơ sở trực thuộc và đề ra những nhiệm vụ mới cho phù hợp với tình hình mới.
Sau hội nghị, các cấp ủy đảng thuộc Đảng bộ đã rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp nhằm tạo những chuyển biến mới trong công tác phát triển đảng viên mới, trong đó hầu hết các cơ sở đảng đều chú ý đến việc tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng, có kế hoạch cụ thể phát triển đảng viên trong từng năm, khắc phục khó khăn trong việc thẩm tra xác minh lý lịch cũng như chấp hành nguyên tắc, thủ tục, các bước tiến hành về công tác phát triển đảng viên. Nhờ tiến hành tốt các biện pháp, đến năm 1995, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 284 đảng viên mới, phần lớn đều trẻ tuổi, có trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đội ngũ đảng viên mới kết nạp, có một số đã được đề bạt, bố trí vào cương vị lãnh đạo ở cơ sở.
4- Công tác kiểm tra
Xác định công tác kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nên trong nhiệm kỳ 1992 - 1995, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã tiến hành và duy trì thường xuyên công tác này. Nội dung trọng tâm của công tác kiểm tra trong nhiệm kỳ của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở trực thuộc gắn liền với việc kiểm tra thực hiện Điều lệ Đảng, kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư và nghị quyết của Tỉnh ủy.
Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao, Đảng ủy đã thường xuyên củng cố Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy và của các tổ chức cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy đã tiến hành kiểm tra tại 70 tổ chức cơ sở đảng về nội dung, nguyên tắc sinh hoạt đảng. Cấp ủy các cơ sở đảng trực thuộc dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy cũng đã tiến hành kiểm tra hàng trăm trường hợp đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng. Qua kiểm tra, một số tổ chức cơ sở đảng có biểu hiện lơ là, buông lỏng sinh hoạt đã được Đảng ủy kịp thời chấn chỉnh, những vướng mắc trong sinh hoạt, trong việc phối hợp, quản lý, điều hành bộ máy của các cơ quan, đơn vị kịp thời được tháo gỡ. Cũng qua công tác kiểm tra, toàn Đảng bộ đã phát hiện và xử lý kỷ luật 80 đảng viên trong đó khiển trách 36, cảnh cáo 32, cách chức 4, khai trừ ra khỏi Đảng 8 trường hợp. Các trường hợp được xử lý kỷ luật đa số đều vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm pháp luật, mất dân chủ, mất đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý kinh tế, tham ô, hối lộ, buôn lậu… Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật các trường hợp trên đều thực hiện đúng nguyên tắc, đúng người, đúng nội dung sai phạm, vừa bảo đảm tính giáo dục, vừa bảo đảm kỷ cương kỷ luật của Đảng. Bên cạnh đó, việc xác minh, xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cũng như công tác xem xét công nhận các trường hợp tiến bộ sau khi bị kỷ luật đã được Đảng ủy thường xuyên chú ý và kịp thời giải quyết.
5- Công tác lãnh đạo đoàn thể
Trong giai đoạn 1992 - 1995, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức ngoài Đảng trong các đơn vị có cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh khá đông. Lực lượng này hầu hết được đào tạo, có trình độ chính trị và chuyên môn cao, một số là cán bộ lãnh đạo ở các phòng ban, bộ phận. Xác định tầm quan trọng về công tác quần chúng của Đảng, bám sát nội dung cơ bản của Nghị quyết 8B- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa Ⅵ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Nghị quyết này, Đảng bộ đề ra nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tổ chức công đoàn ở cơ sở, coi đây là một trong những điều kiện cơ bản để đánh giá, phân loại cơ sở đảng vững mạnh. Trọng tâm trong công tác lãnh đạo quần chúng của Đảng bộ giai đoạn này là triển khai tốt các biện pháp nhằm làm cho cán bộ, công nhân viên chức ngoài Đảng ổn định về tư tưởng, tin tưởng vào sự thành công của công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo để từ đó ra sức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch trên giao cho đơn vị mình.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối Dân Chính Đảng tỉnh sau Đại hội lần thứ Ⅰ (1990), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tiếp tục được củng cố về nhiều mặt và đi vào hoạt động ổn định. Các cơ sở đoàn trực thuộc được tăng cường cán bộ trẻ, có đạo đức tác phong tốt, nhiệt tình với công tác Đoàn. Để phong trào đoàn ở các cơ sở trực thuộc luôn được phát huy tốt, Đảng ủy đã thường xuyên quán triệt tinh thần Nghị quyết 4-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 25- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác thanh niên và kiểm tra, đôn đốc, giúp các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên ở cơ quan, đơn vị mình.
Nhờ đó mối quan hệ giữa các cơ sở đảng, chính quyền và các cơ sở đoàn ngày càng gắn bó, thúc đẩy lực lượng trẻ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện tốt các nội dung sinh hoạt. Phong trào tuổi trẻ giữ nước và phong trào thanh niên lập nghiệp đã được phát động và được lực lượng đoàn viên, hội viên thanh niên của Đoàn Khối Dân Chính Đảng tỉnh tham gia hưởng ứng nhiệt tình, đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong giai đoạn này cũng được các cơ sở đoàn trong Khối thực hiện khá sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong hoạt động Đoàn của tỉnh nhà. Nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào thanh niên của Đoàn Khối Dân Chính Đảng tỉnh đã xuất hiện và nhiều đoàn viên ưu tú đã được giới thiệu, kết nạp vào Đảng.
Trong giai đoạn từ 1992 - 1995, tổ chức Công đoàn Khối công nhân viên chức tỉnh chưa ra đời. Do đó, để lãnh đạo tốt các hoạt động của các tổ chức công đoàn ở cơ sở, Đảng bộ đã thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai các chỉ thị, nghị quyết về công tác công đoàn và đề ra các biện pháp nhằm củng cố tổ chức các công đoàn trong Khối. Thông qua các phong trào thi đua dài hạn, ngắn hạn được phát động, thông qua các chương trình phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều tập thể công đoàn và đoàn viên công đoàn trong Khối đã có nhiều đóng góp, làm lợi cho Nhà nước. Tinh thần dân chủ trong việc thảo luận xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện được triển khai rộng khắp. Hầu hết các tổ chức công đoàn ở các cơ quan, đơn vị đã gắn công tác thi đua với việc hoàn thành chỉ tiêu của nhà nước và góp phần cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, bên cạnh việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy cơ sở, hầu hết các cơ quan đơn vị đều tổ chức tốt nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nữ công… theo sự hướng dẫn và phát động của Liên đoàn Lao động tỉnh. Nhiều đoàn viên công đoàn có phẩm chất chính trị tốt, hăng hái, nhiệt tình trong công tác đã được các tổ chức công đoàn cơ sở giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng nhờ đẩy mạnh hoạt động của công đoàn cơ sở, các cấp ủy đảng ở cơ sở của Đảng bộ đã làm tốt công tác phân loại đảng viên, củng cố tổ chức đảng, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, tham ô lãng phí, mất đoàn kết…
Thực tế nhiệm kỳ qua, trong Đảng bộ có những hạn chế, khuyết điểm:
Một số đảng viên và quần chúng chưa tích cực học tập quán triệt các nghị quyết của Đảng, còn có nhận thức mơ hồ về chính trị.
Công tác thông tin thời sự đôi lúc chưa tiến hành kịp thời, còn đơn điệu, hạn hẹp, thiếu tính sắc bén.
Bộ máy ở một số cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ còn cồng kềnh, chồng chéo. Một số đơn vị sản xuất kinh doanh chưa phát huy tốt tinh thần sáng tạo, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Một số cán bộ, đảng viên chưa phát huy hết năng lực quản lý cũng như chuyên môn, nghiệp vụ.
Một số tổ chức cơ sở đảng chưa nghiêm túc thực hiện công tác phân loại đảng viên. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Một số cấp ủy thiếu đề cao thực hiện công tác kiểm tra nên không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp sai trái, tiêu cực.
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm:
Một số cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thiếu chủ động, chưa nắm bắt kịp thời về vấn đề nhận thức, tâm tư nguyện vọng của đảng viên, quần chúng để động viên, giải quyết.
Do tập trung cao vào chức trách nhiệm vụ, công tác chuyên môn nên nhiều đồng chí tham gia cấp ủy cơ sở thiếu quan tâm đúng mức, kịp thời cụ thể hóa thực hiện các mặt công tác Đảng.
Việc đi sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cụ thể của đảng ủy cấp trên đối với cơ sở đảng chưa thường xuyên.
Đánh giá chung:
Trong nhiệm kỳ 1992 - 1995, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã luôn luôn bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, thể hiện sự phấn đấu mạnh mẽ.
Công tác xây dựng Đảng tập trung lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Từ đó chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tạo sự ổn định về chính trị tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, đẩy lùi những quan điểm tư tưởng sai trái, mơ hồ; tăng cường giáo dục về phẩm chất đạo đức, giáo dục tình cảm cách mạng, lối sống trong sạch, giản dị, tôn trọng pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khắc phục những thiếu sót.
Các cấp ủy phát huy dân chủ nội bộ trên tinh thần đồng chí, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh khắc phục, ngăn ngừa mọi biểu hiện gây mất đoàn kết.
Cơ sở đảng quán triệt thực hiện các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở đảng, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị với ban chấp hành đoàn thể tạo chuyển biến tốt.
Đảng ủy Dân Chính Đảng quan tâm củng cố tổ chức cơ sở đảng, kiểm tra sinh hoạt Đảng, kiểm tra phân tích chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Trong đánh giá chất lượng đảng viên chú ý xem xét vai trò người đảng viên trong việc thực hiện sự nghiệp đổi mới về công tác được giao, khả năng hành động thực tiễn.
Vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị luôn bám sát các nghị quyết, chủ trương chỉ đạo về kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, cải tiến một bước thủ tục hành chính, giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã nổ lực góp phần cùng với toàn tỉnh khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, kiên trì phấn đấu và đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Qua nhiệm kỳ 1992 - 1995, Đảng bộ rút ra những kinh nghiệm, đó là:
- Kịp thời triển khai quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Kiểm tra mức độ tiếp thu chuyển biến nhận thức tư tưởng và hành động của cán bộ đảng viên, ngăn chặn, uốn nắn những quan điểm lệch lạc. Xây dựng Chương trình hành động cụ thể thiết thực, có sơ kết đánh giá hiệu quả thực hiện.
- Xây dựng cơ sở đảng phải thường xuyên chú trọng đến thực chất trình độ, năng lực, vai trò của cơ sở đảng trong xây dựng, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và chất lượng đội ngũ đảng viên. Kiểm tra phân loại chất lượng cơ sở đảng là nội dung quan trọng để có biện pháp chỉnh đốn, là điều kiện thúc đẩy cơ sở đảng phấn đấu vươn lên vững mạnh.
- Tăng cường công tác lãnh đạo có kiểm tra. Cơ sở đảng nghiêm túc xây dựng quy chế, bảo đảm thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ loại hình cơ sở, gắn chặt nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Quan tâm xây dựng cán bộ chủ chốt và các cấp ủy cơ sở đảng đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, bí thư với thủ trưởng đơn vị là yếu tố quan trọng tạo nên sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
- Chăm lo xây dựng đoàn kết thống nhất nội bộ, trước hết là trong cán bộ lãnh đạo, trong cấp ủy và đảng viên. Tăng cường chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, chống né tránh, nể nang, xuôi chiều, chống cục bộ, độc đoán gia trưởng, dân chủ hình thức. Phải chăm lo cải thiện điều kiện làm việc và cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên.
CHƯƠNG Ⅳ
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ DÂN CHÍNH ĐẢNG
TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ Ⅲ
VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ 1996 - 2000
I. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ Ⅲ
Thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 09/03/1995 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kế hoạch số 290-KH/TU, ngày 05/5/1995 về tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Ⅷ của Đảng.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về tiến hành Đại hội Đảng các cấp, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch số 101- KH/ĐUDCĐ, ngày 19/7/1995 về Đại hội các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và chuẩn bị kế hoạch, đề án tổ chức Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh lần thứ Ⅲ.
Theo chỉ đạo của Trung ương, để phù hợp với nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới, các cấp ủy cơ sở đã hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết nhiệm kỳ đều phải tiến hành Đại hội. Trong quá trình chuẩn bị đại hội cơ sở, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của đảng bộ, chi bộ, nhất là ở những cơ sở yếu kém sát tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa Ⅶ) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng; tổng kết thực hiện Nghị quyết 8B (khóa Ⅵ); xây dựng Quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở theo các Quy định số 51-QĐ/TW và số 54 -QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; chuẩn bị cơ cấu cấp ủy mới vững vàng về chính trị, đủ tiêu chuẩn theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa Ⅶ). Đến thời điểm đại hội cơ sở đảng, trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh có 61 cơ sở gồm 15 đảng bộ, 46 chi bộ với 1.305 đảng viên. Trong đó có 7 cơ sở đại hội lần thứ nhất do mới thành lập, mới tách hoặc sáp nhập.
Đại hội cơ sở đảng nhiệm kỳ 1996 - 1998 hoàn thành vào cuối tháng 01/1996 với 4 nội dung đáp ứng được các yêu cầu:
Đại hội các tổ chức cơ sở đảng là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn thể đảng viên nhằm thống nhất về quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động và sáng tạo của tổ chức đảng, của cán bộ đảng viên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.
Đại hội cơ sở phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tích cực đóng góp nhiều ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội Ⅷ, báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, báo cáo trình Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh.
Tham gia góp ý vào báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá làm nổi bật hơn thành tích các ngành đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế tỉnh nhà những năm qua, quan tâm đến việc đánh giá đúng mức vấn đề giải quyết mất đoàn kết, ổn định tư tưởng trong Đảng bộ tỉnh. Nhiều ý kiến tập trung vào các phần về đầu tư phát huy các thế mạnh kinh tế của tỉnh, đồng thời với đầu tư thích đáng cho văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, đời sống các đối tượng chính sách, hiệu quả đầu tư cho miền núi, hải đảo, chống tham nhũng, lãng phí. Phần xây dựng Đảng chủ yếu tập trung vào yêu cầu biện pháp xử lý công bằng nghiêm minh đối với cán bộ đảng viên sai phạm. Thực sự đổi mới và tăng cường đúng mức công tác tổ chức cán bộ.
Tham gia góp ý vào báo cáo trình Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh, ý kiến chủ yếu nhấn mạnh đặc điểm, vị trí quan trọng của Đảng bộ, đánh giá và đề cập trong phương hướng về lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông qua vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nhấn mạnh tăng cường nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đảng viên và sinh hoạt đảng; xây dựng và thực hiện chặt chẽ quy chế mối quan hệ lãnh đạo ở cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ đảng viên vi phạm nhất là tham ô, gây mất đoàn kết nội bộ. Quan tâm đến các chỉ tiêu phấn đấu xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách phát huy tác dụng tốt, chỉ tiêu phát triển đảng.
Công cuộc đổi mới của đất nước sẽ phát triển cả bề rộng và bề sâu, khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từng bước vững chắc, tạo đà để có bước tiến quan trọng vào những năm đầu thế kỷ ⅩⅩⅠ . Yêu cầu ấy được thể hiện trong việc xác định mục tiêu, giải pháp phấn đấu của từng tổ chức cơ sở đảng.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của cấp ủy và báo cáo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong đại hội cơ sở đánh giá sát với tình hình, tổng kết rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội của cấp trên và nghị quyết đại hội cấp mình. Đồng thời thông qua phương hướng, mục tiêu, biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác đổi mới chỉnh đốn Đảng và xây dựng cơ quan, đơn vị phù hợp với từng loại hình cơ sở đảng.
Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới, đòi hỏi phải có sự kiện toàn đổi mới về tổ chức và cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có đủ năng lực và phẩm chất, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nghị quyết của đại hội.
Kế tiếp sự chỉ đạo thành công đại hội cấp cơ sở, Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 1996 - 2000 được tiến hành từ ngày 05/3 đến ngày 07/3/1996 tại thành phố Nha Trang.
Dự Đại hội có 178 đại biểu chính thức gồm 155 đại biểu được bầu qua đại hội ở 61 đảng bộ, chi bộ cơ sở và 25 Đảng ủy viên Dân Chính Đảng là đại biểu đương nhiên trong tổng số 180 đại biểu được triệu tập (vắng 2 đồng chí Phạm Văn Dư, Nguyễn Thị Như Phương là đại biểu đương nhiên và vắng 1 đại biểu được bầu không có đại biểu dự khuyết thay). Trong tổng số đại biểu có 39 nữ. Đại biểu có độ tuổi từ 30 - 45 gồm 73 đồng chí chiếm 41,24%, từ 46 - 60 tuổi có 93 đại biểu chiếm 52,54%. Đại biểu có tuổi Đảng từ 1955 - 1975 chiếm 45,15%, từ sau năm 1975 chiếm 54,23%. Trình độ đại học và trên đại học có 136 đại biểu chiếm 76,83%, trong đó tiến sĩ, phó tiến sĩ có 3 đại biểu chiếm 5,08%. Trình độ cao cấp chính trị có 54 đại biểu chiếm 30,5% và 1 đại biểu có trình độ cử nhân chính trị. Có 10 đại biểu là Tỉnh ủy viên. Có 101 đại biểu là giám đốc, phó giám đốc các sở ngành và tương đương và 5 đại biểu là giám đốc, phó giám đốc các đơn vị thuộc Trung ương.
Đại hội đã tập trung vào nội dung thông qua tổng hợp ý kiến góp ý vào các văn kiện trình Đại hội Ⅷ của Đảng và Báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh; nội dung Báo cáo tình hình hoạt động của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh nhiệm kỳ Ⅱ, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1996 - 2000; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1991 - 1996.
Đại hội được sự quan tâm của các đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Tự, Trần Thị Lượng, Bùi Mau trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến dự trong phiên họp trù bị. Đồng chí Bùi Hồng Thái, Bí thư Tỉnh ủy đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá tích cực về hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ qua, nhất là nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội và Đảng bộ quan tâm trong nhiệm kỳ, bao gồm: Công tác lãnh đạo chính trị, giáo dục tư tưởng; công tác lãnh đạo xây dựng, thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ chính trị; lãnh đạo xây dựng đoàn kết nội bộ; lãnh đạo giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng ở từng cơ sở đến toàn Đảng bộ; lãnh đạo việc nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ đảng viên trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có quy hoạch; lãnh đạo công tác bảo vệ nội bộ, củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; tăng cường mối quan hệ với các đơn vị, đảng bộ có liên quan.
Đại hội thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh tập trung nỗ lực vào công tác xây dựng Đảng bộ, xây dựng cơ sở đảng theo hướng đổi mới chỉnh đốn Đảng, triển khai có kết quả công tác chính trị tư tưởng, tăng cường nhận thức quan điểm hành động theo các nghị quyết của Đảng, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở cố gắng phát huy vai trò lãnh đạo, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ của tỉnh giao. Tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và nghiên cứu thực hiện các Quy định của Ban Bí thư về chức năng nhiệm vụ các loại hình cơ sở. Nội dung chất lượng sinh hoạt đảng của nhiều đơn vị nâng lên, giải quyết một số vướng mắc trong nội bộ. Xây dựng củng cố đoàn kết thống nhất ở đơn vị cơ sở và trong toàn Đảng bộ, góp phần tích cực giải quyết vấn đề mất đoàn kết trong Đảng bộ tỉnh. Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và cơ sở quan tâm công tác kiểm tra, xử lý giáo dục đảng viên sai phạm, tăng cường bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, quan tâm hoạt động các đoàn thể và tăng cường mối quan hệ với quần chúng.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại. Việc củng cố xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên chưa đúng mức so với tình hình mới. Công tác tư tưởng chưa tương xứng nhất là tính chiến đấu chưa sắc bén nhằm kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, trì trệ, cục bộ, tư tưởng thực dụng. Còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức vai trò của cơ sở đảng chủ yếu chỉ làm công tác tư tưởng, không đề cao trách nhiệm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng quản lý công tác tổ chức cán bộ, đồng thời còn tình trạng cấp ủy ngại tham gia ý kiến với thủ trưởng, đơn vị. Việc chống tham nhũng, lãng phí, chống biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương chưa mạnh mẽ, triệt để. Một số cấp ủy tỏ ra lúng túng, bị động trong công tác Đảng dẫn đến tổ chức cơ sở đảng lúng túng về nội dung, phương thức lãnh đạo cụ thể. Một số đảng viên chưa nhiệt tình đảm nhiệm công tác Đảng. Một số đảng viên thiếu xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu, thiếu ý chí phấn đấu nên có những mặt còn thua kém quần chúng tích cực.
Đại hội khẳng định trong 5 năm 1996 - 2000, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh tập trung vào phương hướng tổng quát: Nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ vững mạnh nhằm đủ sức lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực; bảo đảm sự vững vàng về chính trị tư tưởng trong tình hình mới trên cơ sở tăng cường chất lượng đội ngũ đảng viên, giữ vững lòng tin của quần chúng để tập trung nỗ lực đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; góp phần tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đoàn kết nội bộ, tôn trọng và thực thi pháp luật, kỷ luật của Đảng, chống mọi biểu hiện thoái hóa về chính trị, về phẩm chất đạo đức.
Trên cơ sở đó, Đại hội xác định những nhiệm vụ chủ yếu:
1- Xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng tập trung vào vấn đề bồi dưỡng nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ đảng viên, quần chúng theo tinh thần Nghị quyết 9-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa Ⅶ). Từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, xử lý đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở. Kịp thời tổ chức triển khai trong toàn Đảng bộ nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội Ⅷ của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ . Giáo dục ngăn chặn có hiệu quả sự chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, ngăn chặn việc tiếp xúc, tán phát tài liệu xấu.
2- Tiếp tục đề cao nhiệm vụ xây dựng Đảng là trọng tâm, xây dựng kinh tế là then chốt, đặt vai trò hàng đầu là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao. Nỗ lực góp phần quan trọng đạt phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu giai đoạn 1996 - 2000 của tỉnh. Tập trung sức cho mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về GDP 12 - 14 %, bảo đảm và quản lý tốt nguồn thu ngân sách, tăng nhanh tốc độ đầu tư phát triển, ổn định và cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trật tự, kỷ cương, có biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng, buôn lậu và những tệ nạn xã hội.
Lãnh đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy chế công chức, chú trọng hai mặt phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên viên.
3- Tập trung nỗ lực vào các tiêu chuẩn xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đánh giá đúng thực trạng để đề ra các trọng tâm phấn đấu. Các cấp ủy cơ sở quán triệt và vận dụng nghiêm túc Quy định 51-QĐ/TW và 54-QĐ/TW của Ban Bí thư bằng quy chế cụ thể của loại hình cơ sở. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vai trò chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng với sự quản lý điều hành của chính quyền, mối quan hệ với ban cán sự đảng, đảng đoàn. Tăng cường trách nhiệm theo dõi thường xuyên chất lượng xây dựng Đảng ở các đảng bộ, chi bộ ở các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu làm cho chi bộ thực sự là nơi rèn luyện, giáo dục đảng viên. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên biểu hiện cố tình xa rời nền tảng tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của Đảng. Phấn đấu trong nhiệm kỳ số cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh là 60% trở lên, căn bản khắc phục cơ sở đảng yếu kém trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh.
Trong văn kiện của Đại hội xác định rõ bất cứ giai đoạn nào, sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên cũng là nhân tố thường xuyên quyết định sự vững mạnh của tổ chức đảng. Nâng cao bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức càng trở nên quan trọng trong thực tiễn nền kinh tế mở. Cần đề ra kế hoạch biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên và kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo. Cấp ủy cơ sở thông qua phân loại đảng viên có kế hoạch bồi dưỡng phát huy đảng viên có phẩm chất, năng lực, giúp đỡ đảng viên còn những mặt hạn chế, giáo dục và định thời gian phấn đấu cho những đảng viên mắc khuyết điểm, hạn chế về năng lực thực thi nhiệm vụ. Phấn đấu đạt 85% đảng viên đủ tư cách phát huy tác dụng tốt trong phân loại đảng viên năm 1996 - 1997 và tăng tỷ lệ trong những năm tiếp theo. Phải làm tốt công tác tạo nguồn, đổi mới quan niệm đánh giá đối tượng quần chúng, khắc phục câu nệ, hẹp hòi, khắc phục tình trạng kéo dài hoặc lơ là việc thẩm tra xác minh lý lịch nhằm tăng cường công tác phát triển đảng viên. Bảo đảm chỉ tiêu kết nạp 200 đảng viên mới trở lên trong nhiệm kỳ.
Quan tâm quy hoạch, đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn công chức, áp dụng chế độ thi tuyển công chức. Cấp ủy tham gia ý kiến với ban cán sự đảng, đảng đoàn trong việc đề xuất với cấp trên về bố trí cán bộ lãnh đạo kế cận. Phấn đấu 70% trở lên cán bộ đảng viên là lãnh đạo sở, ngành có trình độ đại học.
Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh phải kịp thời củng cố kiện toàn cấp ủy cơ sở, kịp thời thay thế cấp ủy viên có sai phạm, mất uy tín; phê bình làm rõ trách nhiệm đối với bí thư, cấp ủy viên buông lỏng công tác Đảng.
4- Tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra nhằm chủ yếu đáp ứng yêu cầu giáo dục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các sai phạm của cơ sở đảng và đảng viên. Kiên quyết xử lý thích đáng đảng viên mắc sai phạm về tham nhũng, nhận hối lộ, buôn lậu, hành vi tiêu cực gây thất thoát, lãng phí, sa đọa, bè phái, tham vọng chức quyền gây mất đoàn kết nội bộ.
5- Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đơn vị và đảng viên nghiêm túc vận dụng thực hiện Nghị quyết 8B-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa Ⅶ). Giáo dục nâng nhận thức tăng cường công tác vận động quần chúng không chỉ trong phạm vi nội bộ cơ quan, đơn vị mà phải bao hàm diện rộng vừa tham mưu chủ trương, quyết định liên quan đến quyền lợi của nhân dân, lòng tin của nhân dân, về thái độ trách nhiệm thực thi chức trách nhiệm vụ của cán bộ, viên chức ở cơ quan cấp tỉnh, giải quyết đơn thư của công dân.
Các cấp ủy cơ sở phải coi trọng lãnh đạo các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị bằng nghị quyết, nội dung chỉ đạo từng tháng, quý. Mở rộng dân chủ, động viên tinh thần trách nhiệm của quần chúng tham gia hoạt động quản lý, giám sát. Phát huy các đoàn thể làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị thông qua hoạt động các Khối thi đua do tỉnh chỉ đạo. Phấn đấu xây dựng 80% cơ sở công đoàn, đoàn thanh niên đạt danh hiệu từ khá đến vững mạnh.
Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 51-CT/TW của Ban Bí thư, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất phương án chuẩn bị nhân sự, Đại hội đã bầu 25 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh nhiệm kỳ 1996 - 2000 đáp ứng yêu cầu lấy tiêu chuẩn làm chính, trong tình hình mới chú ý đưa phẩm chất chính trị lên hàng đầu, kết hợp với cơ cấu hợp lý bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ trên các lĩnh vực, lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Đại hội đã bầu 45 đồng chí dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ .
Ban Chấp hành Đảng bộ bầu 7 đồng chí: Huỳnh Thọ, Phan Chỉnh, Bùi Hữu Châu, Ngô Nguyên Thắng, Mai Trực, Nguyễn Thị Minh Châu, Lâm Đức Thanh vào Ban Thường vụ Đảng ủy. Đồng chí Huỳnh Thọ được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phan Chỉnh làm Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Đến cuối tháng 5/1997 đồng chí Mai Trực, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động nhận công tác mới ở Huyện ủy Vạn Ninh (chuyển ra ngoài Đảng bộ). Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ duy trì số lượng 24 đồng chí đến hết nhiệm kỳ.
Trong giai đoạn 1996 - 2000 hoạt động của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong những năm qua, nhiều cơ quan, đơn vị có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn làm điểm trong nhiều đợt sinh hoạt chính trị lớn. Tầm quan trọng về vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị được xác định rõ và phát huy tốt. Trình độ lý luận chính trị, trình độ văn hóa, đào tạo chuyên môn, trình độ về pháp luật và năng lực thực tiễn của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ được nâng lên rõ rệt trong các năm qua, tạo thuận lợi hơn cho công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, do có nhiều tổ chức cơ sở đảng; quản lý lực lượng đảng viên, cán bộ, công chức khá lớn. Quy chế về phối hợp trách nhiệm giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh với ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa xác định cụ thể. Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh không lãnh đạo trực tiếp Công đoàn Viên chức tỉnh dẫn đến thiếu đồng bộ trong chỉ đạo công tác đoàn thể.
II. Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Ⅲ nhiệm kỳ 1996 - 2000
1- Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh cùng các cấp ủy cơ sở đã tập trung triển khai quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết quan trọng của Đảng. Từ quán triệt Nghị quyết 9-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa Ⅶ) đến học tập nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Ⅷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên được củng cố thêm về quan điểm tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức về đường lối chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa Ⅷ), triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ , gắn với việc xây dựng các chương trình hành động phù hợp với đặc thù của Đảng bộ và tình hình nhiệm vụ của cơ sở đảng. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ trong Đảng và trong quần chúng, nâng lên một bước ý thức, trách nhiệm xây dựng Đảng, khẳng định giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Triển khai có kết quả kế hoạch khảo sát thực tế về trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên, hướng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị đến năm 2000 trong toàn Đảng bộ. Đây là sự thể hiện nhạy bén tác động đến trách nhiệm của cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là nhìn nhận thực tế về bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Lần đầu tiên Đảng ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở một lớp Trung cấp chính trị riêng cho đảng viên trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh. Nhiều cán bộ đảng viên được cử dự lớp Đại học chính trị.
Đảng ủy đã đề ra quy chế về tăng cường công tác thông tin tình hình trong Đảng bộ. Các nội dung chủ đề tuyên truyền, giáo dục được hướng dẫn, cung cấp đầy đủ và duy trì sinh hoạt thông tin tư tưởng định kỳ cho cơ sở đảng. Công tác tuyên truyền giáo dục hướng vào thực hiện các Pháp lệnh Cán bộ công chức, chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Công tác tư tưởng trong Đảng bộ chú trọng quán triệt nhiệm vụ chính trị, nhất là bảo đảm phấn đấu thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội lớn của tỉnh, phát huy tinh thần tự lực tự cường, nâng cao tính chủ động sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ tỉnh giao ở từng sở, ban ngành, đơn vị của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt việc động viên cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai.
Nhìn chung, công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị tư tưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Trước những diễn biến phức tạp về chính trị, xã hội ở nhiều nước trên thế giới, cũng như một số khó khăn về kinh tế - xã hội trong nước, nhưng trong Đảng bộ không có vấn đề nổi cộm về thái độ chính trị hoặc hành động đi chệch định hướng quan điểm tư tưởng của Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thể hiện tính kiên định vững vàng, lòng trung thành, tin tưởng sự nghiệp phát triển đi lên trong công cuộc đổi mới của Đảng. Công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ nhằm củng cố đoàn kết thống nhất nội bộ, nâng cao ý thức cảnh giác chống “diễn biến hòa bình”, tỏ rõ thái độ chống các quan điểm sai trái, kiên quyết bảo vệ đường lối, cương lĩnh, Điều lệ Đảng.
Tuy nhiên, tâm trạng của nhiều đảng viên băn khoăn trăn trở về việc chỉ đạo chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí chưa thật cụ thể, hiệu quả chưa cao. Một số vấn đề xã hội bức xúc và gay gắt chưa có những giải pháp hiệu lực ngăn chặn. Một số chủ trương lớn của Nhà nước triển khai chưa thật kiên quyết, đồng bộ như cổ phần hóa, cải cách thủ tục hành chính giảm phiền hà. Vấn đề quan tâm nổi lên từ thực tế sự kiện ở tỉnh Thái Bình, tình trạng vi phạm dân chủ ở cơ sở, sự chậm trễ trong giải quyết đơn thư khiếu nại. Công tác xóa đói giảm nghèo trong tỉnh mặc dù có chỉ đạo tích cực nhưng chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, giải pháp xóa đói giảm nghèo ở miền núi hiệu quả chưa cao, phát sinh tư tưởng ỷ lại trông chờ của một số cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số. Tiền lương, đời sống của cán bộ khối hành chính sự nghiệp còn nhiều khó khăn.
2- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Công tác giáo dục, lãnh đạo tư tưởng cùng với trọng tâm xây dựng củng cố nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên đã tăng cường tinh thần nỗ lực, ý thức trách nhiệm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các sở, ban ngành, đơn vị. Các cơ sở đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cơ sở nhận thức rõ đất nước ta và toàn tỉnh bước sang một giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đồng thời tập trung vào phương hướng mục tiêu 1996 - 2000 của tỉnh, trong đó hướng vào trọng tâm: tiếp tục tạo môi trường cho kinh tế hàng hóa phát triển nhanh chóng, ổn định và lành mạnh, có tốc độ tăng trưỏng kinh tế cao, có bước đáng kể về chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch; khai thác tối đa khả năng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; mở rộng nhanh quan hệ kinh tế với bên ngoài, hướng mạnh xuất khẩu... Từ đó Đảng bộ đã góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ , đặc biệt là các chương trình lớn như: Chương trình phát triển mía đường, chương trình phủ điện nông thôn, chương trình giao thông nông thôn, chương trình kinh tế thủy sản, chương trình xóa đói giảm nghèo; phấn đấu bảo đảm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ngân sách của tỉnh hàng năm và trên lĩnh vực kinh tế đầu tư cũng có nhiều tiến bộ.
Sự phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ góp phần quan trọng thực hiện các chính sách xã hội, nhất là chính sách đền ơn đáp nghĩa; xây dựng các đoàn thể chính trị xã hội; tăng cường xây dựng nếp sống mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao dân trí; cải thiện điều kiện y tế và chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể lực trong nhân dân. Tuyên truyền rộng rãi chủ trương chính sách, thông tin định hướng, đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực xã hội; quản lý hoạt động tôn giáo; tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đấu tranh nhằm bảo vệ và thực thi pháp luật; thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường.
Nhiều sở ngành, đơn vị thuộc Đảng bộ chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu, thực hiện các giải pháp, xúc tiến có kết quả một bước cải cách thủ tục hành chính. Năng lực chuyên môn, hiểu biết về quản lý của cán bộ, công chức trong các sở ngành được nâng cao hơn trước. Thông qua lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cơ quan, đơn vị đã góp phần tích cực giúp cho lãnh đạo tỉnh nắm bắt và quyết định những chủ trương hợp lòng dân, đưa ra những ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm của tỉnh và các chỉ tiêu lớn của Nghị quyết Đại hội ⅩⅢ Đảng bộ tỉnh. Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong Đảng bộ có thành tích xuất sắc được Trung ương, tỉnh khen thưởng; đặc biệt đơn vị Kho Bạc Nhà nước tỉnh Khánh Hòa được tuyên dương Anh hùng Lao động.
3- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng
Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở đảng theo Quy định 51-QĐ/TW, Quy định 54-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa Ⅶ). Từ đó chỉ đạo các cấp ủy cơ sở cụ thể hóa quy định của Trung ương, xây dựng thành quy chế hoạt động của cấp ủy cơ sở phù hợp đặc điểm cơ sở đảng qua từng đại hội cơ sở, cấp ủy mới tiếp tục rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện quy chế để điều chỉnh bổ sung, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đồng thời qua thực tế chỉ đạo hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở đảng thấy rõ nơi nào giải quyết tốt mối quan hệ này và quy định rõ mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy cơ sở với ban cán sự đảng, đảng đoàn thì nơi đó mới phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, phát huy được sức mạnh, củng cố sự đoàn kết nhất trí.
Trọng tâm xây dựng củng cố chất lượng tổ chức cơ sở đảng là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở đảng trên cơ sở kiện toàn cấp ủy cơ sở và xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bao gồm trình độ kiến thức, năng lực hành động thực tiễn, đặc biệt là bản lĩnh chính trị, phẩm chất người đảng viên góp phần làm cho cơ sở đảng vững mạnh trong tình hình nhiệm vụ mới. Hàng năm, qua kết quả phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh có kế hoạch và phân công trong Ban Thường vụ trực tiếp bám sát cơ sở chỉ đạo thực hiện củng cố cơ sở đảng yếu kém, không để một cơ sở đảng nào yếu kém kéo dài.
Vào đầu nhiệm kỳ, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy tiếp tục chuyển giao 16 chi bộ cơ sở cho các đơn vị doanh nghiệp còn lại sang Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh và chuyển 1 chi bộ cơ sở về Huyện ủy Khánh Vĩnh.
Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã kịp thời chỉ đạo hợp nhất 3 đảng bộ cơ sở để thành lập đảng bộ mới theo cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng 4 chi bộ cơ sở lên đảng bộ cơ sở, thành lập 4 chi bộ cơ sở; chỉ định bổ sung thay thế 10 cấp ủy viên cơ sở và 17 bí thư, phó bí thư cơ sở; chuyển 2 đảng bộ cơ sở thành chi bộ cơ sở; giải thể 2 chi bộ cơ sở qua sắp xếp tổ chức (Trong số đảng bộ cơ sở trực thuộc, có 1 đảng bộ cơ sở có các chi bộ ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ).
Ban Thường vụ Đảng ủy đã xây dựng và ban hành quy định thang điểm xét phân loại tổ chức cơ sở đảng hàng năm, thực hiện từ đầu năm 1998.
Tỷ lệ cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm có tăng lên. Năm 1996 đạt 55%, đến năm 1999 đạt 64,5%. Số cơ sở đảng xếp loại khá chiếm tỷ lệ 33,85%, còn lại 1 - 2 cơ sở loại yếu. Có 15 cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh 5 năm liền (1995 - 1999) được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương khen thưởng.
Chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên một bước, thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nhiều đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, không ngần ngại đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai. Hàng năm có hơn 98% đảng viên trong Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh được phân loại đảng viên đủ tư cách phát huy tác dụng tốt. Đảng viên vi phạm tư cách chỉ chiếm tỷ lệ 1,5%. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về lý luận chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ, khả năng hoạt động thực tiễn, nắm bắt cơ chế mới, vận dụng sát đúng hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện.
Đảng ủy luôn quan tâm chỉ đạo củng cố cấp ủy cơ sở thông qua chỉ đạo đại hội các tổ chức cơ sở đảng và sau đại hội khi cấp ủy cơ sở có biến động. Hầu hết bí thư cấp ủy cơ sở gắn liền với vị trí lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy cơ sở thể hiện bản lĩnh, vai trò vị trí lãnh đạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Các tổ chức cơ sở đảng và cấp ủy đã bảo đảm cho vai trò và hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên. Trong nhiệm kỳ đã tiến hành các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bí thư, cấp ủy viên cơ sở nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Trình độ cao đẳng, đại học của cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, chiếm 81,85% (nhiệm kỳ trước là 70,89%), trình độ cao cấp và đại học lý luận chính trị chiếm 25,3% (nhiệm kỳ trước là 23,94%).
Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ theo quy trình. Tất cả cấp ủy cơ sở đều kiểm điểm nghiêm túc và tổ chức cho đảng viên tự phê bình, phê bình, nhận rõ được khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục. Trong phê bình góp ý không có biểu hiện thiếu lành mạnh. Qua đấu tranh phê bình phát hiện đảng viên có sai phạm được chỉ đạo xử lý kịp thời.
Đảng ủy đã xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cụ thể từng năm đối với công tác phát triển đảng, các cơ sở đảng tích cực giáo dục tạo nguồn quần chúng ưu tú. Ban Thường vụ Đảng ủy bảo đảm chương trình mở lớp bồi dưỡng kết nạp đảng hàng năm. Trong năm 1996, lần đầu tiên Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo khảo sát kết quả công tác phát triển đảng, nhất là khảo sát tình hình bồi dưỡng kết nạp đảng ở tất cả cơ sở đảng để rút ra các vấn đề chỉ đạo cho công tác này. Qua nghiên cứu gần 500 lượt hồ sơ chuẩn bị kết nạp đảng, với phương châm coi trọng chất lượng, bảo đảm chặt chẽ nguyên tắc thủ tục theo quy định, thực hiện sự phối kết hợp với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, từ đó trong nhiệm kỳ đã chuẩn y kết nạp 292 đảng viên mới đạt lỷ lệ 116,8% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 50,34%. Riêng lĩnh vực giáo dục đào tạo chiếm tỷ lệ 16,78%. Số đoàn viên thanh niên được kết nạp đảng chiếm tỷ lệ 18,15%. Đảng viên mới có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 68,49%.
Căn cứ Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 14/8/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Quy định số 75- CT/TW ngày 25/4/2000 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng và sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã triển khai đến cấp ủy cơ sở nhằm làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên trước hết về tư tưởng chính trị, nắm rõ đặc điểm lịch sử, quan hệ lịch sử chính trị của cán bộ đảng viên, làm tham mưu trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và công tác cán bộ.
Các cấp ủy cơ sở đã thể hiện ngày càng quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngay từ cơ sở, khắc phục dần những hạn chế, lúng túng so với trước đây. Kết quả việc rà soát chính trị nội bộ đã giúp cho Ban Thường vụ Đảng ủy tham gia ý kiến cụ thể việc bổ nhiệm hoặc không bổ nhiệm cán bộ và công tác phát triển đảng viên mới.
Về tham gia công tác cán bộ cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý là nhiệm vụ mới có từ năm 1995, Ban Thường vụ Đảng ủy với trách nhiệm quản lý đảng viên đã tham gia ý kiến đề bạt bổ nhiệm, bổ nhiệm lại gần 150 cán bộ vào các chức vụ trưởng, phó phòng, thẩm phán đến trưởng, phó các sở, ngành, đơn vị của tỉnh, góp phần từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Đảng.
4- Công tác kiểm tra
Trong đổi mới phương thức lãnh đạo, Ban Thường vụ Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã thực hiện tốt công tác kiểm tra và chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy bám sát yêu cầu nhiệm vụ để chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra cơ sở đảng, hướng dẫn và phối hợp với các cấp ủy cơ sở thực hiện công tác kiểm tra. Nét mới trong hoạt động kiểm tra thực hiện theo quy định mới, cấp ủy kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức đảng cấp dưới trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và nghị quyết của cấp mình về mọi lĩnh vực hoạt động; ủy ban kiểm tra kiểm tra đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Các năm qua, sự chỉ đạo của cấp ủy cơ sở đối với công tác kiểm tra đi vào nề nếp, từng bước nâng cao nhận thức về hiệu quả của công tác kiểm tra, nhất là qua thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tri 19-TTr/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, triển khai và kiểm tra thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Bộ Chính trị về chống tham nhũng.
Thông qua công tác kiểm tra, đã phát hiện và chỉ đạo chấn chỉnh những cơ sở đảng có vấn đề nổi cộm phát sinh ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng. Bằng nhiều biện pháp nắm bắt thông tin phát hiện đảng viên, cấp ủy viên có dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo các cấp ủy cơ sở kiểm tra xử lý. Tính từ tháng 6/1996 đến tháng 6/2000, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Dân Chính Đảng đã xem xét xử lý và tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xử lý kỷ luật 49 trường hợp, trong đó 12 trường hợp là cấp ủy viên cơ sở, 17 trường hợp là trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc. Đã quyết định khai trừ 7 đảng viên, cách chức 4 cấp ủy viên, cảnh cáo 14 đảng viên, khiển trách 24 đảng viên. Vi phạm của đảng viên chủ yếu là vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm về nhà đất, về chính sách kế hoạch hóa gia đình, về phẩm chất lối sống, mất đoàn kết và việc sử dụng bằng giả.
Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo 67 lượt kiểm tra tổ chức cơ sở đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo khắc phục tình trạng cấp ủy cơ sở xem nhẹ vai trò lãnh đạo đối với công tác kiểm tra. Chỉ đạo kiểm tra 115 lượt đối với cơ sở đảng và trên 100 đảng viên theo điểm 2 Điều 30 Điều lệ Đảng. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở kiểm tra trên 420 đảng viên và 98 chi bộ dưới cơ sở theo phân cấp quản lý. Đồng thời quan tâm kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng của tổ chức cơ sở đảng, phê bình những chi bộ thể hiện tính chiến đấu không cao trong việc xem xét xử lý kỷ luật đảng viên. Tháng 6/2000, Ban Thường vụ Đảng ủy lập 4 tổ công tác chỉ đạo thực hiện kiểm điểm tất cả tổ chức cơ sở đảng và nhiều cấp ủy viên nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đảng thực hiện nghiêm túc cuộc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ.
Công tác giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật của đảng viên được tiến hành kịp thời, dứt điểm theo thẩm quyền hoặc chuyển các cấp, không để tồn đọng kéo dài. Bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình nên đã hạn chế được đơn thư tái tố, khiếu nại.
Việc giải quyết đơn thư tố cáo góp phần củng cố đoàn kết thống nhất nội bộ, nâng cao tinh thần đấu tranh, chống tiêu cực và minh oan cho một số đồng chí.
5- Công tác lãnh đạo đoàn thể
Lãnh đạo hoạt động của các đoàn thể trong phạm vi Đảng bộ, Đảng ủy Khối luôn coi trọng việc củng cố cơ sở, giáo dục đoàn viên về chính trị tư tưởng, phát huy dân chủ. Chú trọng động viên thực hiện nhiệm vụ chính trị, động viên tinh thần học tập nâng cao trình độ các mặt. Mở rộng các hoạt động phong trào, vận động hưởng ứng đóng góp vào các đợt vận động xã hội nhất là chủ trương xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp các xã miền núi. Thúc đẩy xây dựng cơ quan văn hóa, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, làm nòng cốt hoạt động thi đua trong các khối của tỉnh.
Các tổ chức công đoàn cơ sở có thuận lợi hơn trước do được tập trung về một đầu mối là Công đoàn Viên chức tỉnh cùng với chỉ đạo của một số công đoàn ngành. Hoạt động công đoàn tạo được nề nếp, phong phú thu hút cơ sở tham gia, cổ vũ phong trào thi đua. Sự chỉ đạo của cấp ủy cơ sở và tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan, các công đoàn cơ sở duy trì nề nếp sinh hoạt và thể hiện vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn ngày càng tốt hơn.
Đảng ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo cụ thể, trực tiếp đối với hoạt động của Đoàn Thanh niên Dân Chính Đảng. Ban Thường vụ Đảng ủy phân công đồng chí Phó Bí thư trực tiếp phụ trách chỉ đạo hoạt động của Đoàn Thanh niên và duy trì chế độ làm việc định kỳ giữa Ban Thường vụ Đảng ủy với Ban Thường vụ Đoàn, coi trọng củng cố cán bộ cốt cán của Đoàn, luôn sẵn sàng giúp Đoàn Dân Chính Đảng trực tiếp bàn với cấp ủy cơ sở để chỉ đạo củng cố chi đoàn, đoàn cơ sở. Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 4-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa Ⅶ) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.
Đoàn luôn bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, tạo nên kết quả hoạt động duy trì vị trí xếp loại thi đua khá nhất trong khối Đoàn tương đương cấp huyện. Nội dung hoạt động của Đoàn thể hiện sự cố gắng tổ chức nhiều đợt giáo dục chuyên đề mừng các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước, giáo dục theo chủ đề “Tôi - người Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, Đoàn Dân Chính Đảng đẩy mạnh hơn công tác giáo dục đạo đức trong trường học, giáo dục và chú trọng biện pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập vào nhà trường.
Thực hiện Điều lệ Đảng quy định và chức năng, nhiệm vụ được giao, trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy đã kịp thời xây dựng và ban hành: Quy định phân công phụ trách cơ sở đảng cho các Đảng ủy viên; quy định chế độ báo cáo giữa Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ; quy chế làm việc của cơ quan chuyên trách Đảng ủy; quy chế hoạt động của báo cáo viên Đảng ủy; quy định chấm điểm xét phân loại tổ chức cơ sở đảng và hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của các chi ủy cơ sở theo Quy định 51-QĐ/TW và Quy định 54- QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa Ⅶ). Duy trì đều đặn sinh hoạt của Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy. Trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức 21 kỳ họp Ban Chấp hành và 118 kỳ họp Ban Thường vụ Đảng ủy. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy đã thể hiện rõ sự quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Nội bộ Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Đảng ủy luôn có sự đoàn kết thống nhất, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, sinh hoạt dân chủ, cởi mở, thẳng thắn. Từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy đã đóng góp nhiều ý kiến tích cực, quan trọng trong các cuộc họp với tinh thần trách nhiệm cao, đã làm cho hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sát với tình hình nhiệm vụ của các sở, ngành và gắn với quá trình chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Kế thừa và phát huy được những ưu điểm và kinh nghiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ các khóa trước, thực hiện tốt quy chế và chương trình kế hoạch công tác đã đề ra. Qua sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã tập trung làm rõ thêm ưu, khuyết điểm về tổ chức và sự hoạt động, điều hành của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy và từng cá nhân các đồng chí thành viên trên những lĩnh vực được phân công phụ trách, chú trọng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc đoàn kết thống nhất, lề lối làm việc, sinh hoạt và giải pháp khắc phục các tồn tại yếu kém. Qua kiểm điểm, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy đã có thêm nhiều nhận thức sâu sắc và kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, trưởng thành về mọi mặt, vững vàng trước những thử thách, khó khăn, chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình công tác đã đề ra góp phần vào thành quả chung về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy vậy, trong nhiệm kỳ có 2 đồng chí Đảng ủy viên Dân Chính Đảng có sai phạm bị cấp trên xem xét xử lý, còn có đồng chí uy tín còn thấp, có đơn thư tố cáo khiếu nại, có trường hợp chưa thể hiện hết trách nhiệm được phân công trong quản lý, điều hành và trong công tác xây dựng Đảng.
Qua thực tế hoạt động, nhiệm kỳ qua, trong Đảng bộ có những hạn chế, khuyết điểm:
Còn không ít cán bộ đảng viên ngại học tập lý luận chính trị, lơ là trong việc nghiên cứu quán triệt sâu các nghị quyết của Đảng, thiếu rèn luyện bản lĩnh chính trị, phai nhạt lý tưởng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng bị tác động nhiều nguồn thông tin không chính thống.
Công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí chưa mạnh, sự lãnh đạo chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị chưa thật đồng bộ, còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ sở đảng còn hạn chế, chưa cải tiến để nâng chất lượng sinh hoạt, chưa bàn vấn đề trọng tâm để đưa vào nghị quyết lãnh đạo, đảng viên ít tham gia ý kiến. Một số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở sinh hoạt thiếu thiết thực, tính giáo dục, tính chiến đấu chưa cao.
Phần lớn đảng viên được phân loại và công nhận đủ tư cách phát huy tác dụng tốt nhưng tỷ lệ cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn xếp loại trong sạch vững mạnh chưa tương xứng.
Một số đảng viên do thiếu tu dưỡng rèn luyện sai phạm trong quản lý kinh tế tài chính, tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ; phát sinh mâu thuẫn nội bộ phải bị xử lý, mặc dù Đảng ủy quyết tâm xóa cơ sở yếu, nhưng hàng năm vẫn phát sinh một vài cơ sở. Cấp ủy cơ sở chưa tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra.
Các đoàn thể mới đáp ứng yêu cầu hoạt động bề nổi, còn biểu hiện thụ động, sự vụ. Nhiều đảng viên thể hiện trách nhiệm tham gia xây dựng đoàn thể chưa rõ nét. Đoàn Dân Chính Đảng thường thay đổi nhân sự bí thư, thiếu ổn định cho yêu cầu chỉ đạo. Cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Công đoàn Viên chức tỉnh chưa được xác lập chính thức nên việc lãnh đạo công đoàn cơ sở chủ yếu do trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy cơ sở.
Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm:
Ban Thường vụ Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh chưa thực sự cải tiến cách thức tổ chức học tập quán triệt nghị quyết. Các cấp ủy cơ sở thông tin tư tưởng trong cán bộ, đảng viên không thường xuyên, nắm bắt và phản ảnh về nhận thức tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cho cấp trên rất hạn chế.
Công tác quản lý đảng viên về tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội, quan hệ nơi cư trú, xây dựng gia đình thiếu thường xuyên, chặt chẽ; có nơi còn biểu hiện buông lỏng trong việc quản lý cán bộ, đảng viên.
Ban Thường vụ Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh chỉ đạo chưa mạnh đối với cấp ủy cơ sở về lãnh đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong điều kiện đã có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa Ⅷ). Việc chỉ đạo triển khai đôn đốc cơ sở đảng xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương được tiến hành tốt, nhưng Ban Thường vụ Đảng ủy thiếu kiểm tra cụ thể và tổ chức sơ kết đánh giá nghiêm túc.
Vai trò của một số bí thư, cấp ủy cơ sở chưa thật mạnh, làm hạn chế việc xây dựng và giữ vững cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.
Có những cơ sở đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh nhưng thiếu vững chắc do cấp ủy cơ sở báo cáo chưa trung thực và Ban Thường vụ Đảng ủy thiếu sâu sát, không phát hiện vấn đề thiếu sót của cơ sở.
Nhiều cấp ủy cơ sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa chỉ đạo sát và quan tâm lãnh đạo hoạt động đoàn thể, nhất là đối với đoàn thanh niên.
Đánh giá chung:
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh tập trung vào công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị với tinh thần góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, thực hiện thắng lợi các dự án, chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Thông qua lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong các cơ quan, đơn vị, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng được thể hiện rõ nét hơn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đề cao trách nhiệm chỉ đạo trọng tâm công tác xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đa số cấp ủy cơ sở đã cải tiến phương pháp lãnh đạo, bám sát chủ trương chỉ đạo, hướng dẫn của đảng ủy cấp trên; có sự chuyển biến kết hợp chặt chẽ giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý, động viên, đôn đốc, kiểm tra. Công tác lãnh đạo các đoàn thể trong giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đoàn thể kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, quan tâm xây dựng phong trào thiết thực.
Sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ đã tạo nên những kết quả khả quan thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh lần thứ V và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao.
Trong nhiệm kỳ lãnh đạo, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, đó là:
Sự đoàn kết nhất trí cao trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ là sức mạnh lãnh đạo đối với các cấp ủy và xây dựng Đảng bộ. Hầu hết Đảng ủy viên thể hiện nhiệt tình trách nhiệm, quan tâm đến những vấn đề trọng tâm trong Đảng bộ và góp phần nâng cao hơn vị trí vai trò của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh.
Tập trung củng cố cơ sở đảng trước hết là củng cố kiện toàn cấp ủy cơ sở về bản lĩnh lãnh đạo, đấu tranh giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, khắc phục né tránh phê bình, tự phê bình. Đảng ủy tập trung chỉ đạo nhiều hơn cho các cơ sở đảng có yếu tố thiếu tính vững chắc. Giải quyết các vấn đề cần thiết ở cơ sở không ngại va chạm.
Tích cực chỉ đạo thực hiện, bổ sung quy chế hoạt động trên cơ sở triển khai vận dụng các quy chế, chương trình hành động do cấp trên ban hành. Giải quyết tốt mối quan hệ làm việc giữa cấp ủy cơ sở với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đề cao tính Đảng trong lãnh đạo, điều hành.
Đảng ủy xác định rõ vai trò của cấp ủy đảng, của ban cán sự đảng, đảng đoàn trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Coi trọng củng cố sự đoàn kết thống nhất nội bộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy quan tâm lãnh đạo công tác kiểm tra theo Chỉ thị 29-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng”; khắc phục sự lúng túng, xem nhẹ hoạt động kiểm tra ở cơ sở đảng.
CHƯƠNG Ⅴ
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ DÂN CHÍNH ĐẢNG
TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ Ⅳ
VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2001 - 2005
I. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ Ⅳ
Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng lần thứ Ⅳ tiến hành từ ngày 06 đến ngày 08/12/2000 tại thành phố Nha Trang có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, đồng thời góp phần tích cực vào Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ ⅩⅣ , hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ Ⅸ của Đảng mang tầm vóc lịch sử đưa cả nước đi vào thế kỷ ⅩⅩⅠ .
Dự Đại hội có 168 đại biểu gồm 145 đại biểu được bầu qua đại hội ở 61 đảng bộ, chi bộ cơ sở và 23 Đảng ủy viên Dân Chính Đảng là đại biểu đương nhiên trong tổng số 170 đại biểu được triệu tập (vắng đồng chí Mai Thị Tuyết Trinh là đại biểu đương nhiên và 1 đại biểu được bầu) thay mặt cho 1.412 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Với tổng số đại biểu trong đó có tuổi đời từ 29 đến 45 tuổi chiếm 44,64%. Về tuổi đảng từ sau 1975 có 128 đại biểu chiếm 76,19%, có 138 đại biểu có trình độ chuyên môn đại học, trên đại học chiếm 82,14% (9 thạc sĩ), 46 đại biểu có trình độ cử nhân chính trị, 37 đại biểu có trình độ cao cấp chính trị. Có 11 đại biểu là Tỉnh ủy viên, 148 đại biểu là bí thư, phó bí thư, đảng ủy viên, chi ủy viên cơ sở. Có 68 đại biểu là giám đốc, phó giám đốc, các cơ quan, đơn vị sở, ngành của tỉnh và 51 đại biểu là trưởng, phó phòng ban.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh lần thứ Ⅳ đã tập trung vào nội dung Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Ⅲ (1996 - 2000) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ Ⅳ (2001 - 2005), Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng nhiệm kỳ 1996 - 2000, Báo cáo kết quả tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), các báo cáo tổng hợp ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh và của các cơ sở đảng vào các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ Ⅸ của Đảng và Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ ⅩⅣ . Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự chỉ đạo Đại hội.
Đại hội biểu thị thống nhất đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ từ Đại hội Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh lần thứ Ⅲ.Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự phối hợp công tác của các ban xây dựng Đảng tỉnh, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, nhất là sự nỗ lực của các cấp ủy cơ sở và đội ngũ đảng viên, nhiệm kỳ qua toàn Đảng bộ quyết tâm phấn đấu thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa Ⅷ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ và Nghị quyết Đại hội cấp mình theo hướng bảo đảm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh đã tập trung trách nhiệm cho công tác xây dựng Đảng phù hợp với tình hình phát triển của Đảng bộ, bám sát các nghị quyết của Đảng và sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên và được khẳng định, góp phần tạo thêm uy tín và vai trò vị trí của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh. Hầu hết cơ sở đảng thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, đề ra được nghị quyết đúng đắn sát thực hình hình nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị sở, ban, ngành. Đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, củng cố sự đoàn kết thống nhất, phấn đấu vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phấn đấu đạt hoặc giữ vững danh hiệu cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Về phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2001 - 2005, Đại hội xác định: Trong 5 năm đầu của thế kỷ ⅩⅩⅠ , Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh cùng toàn Đảng bộ tập trung sức lãnh đạo công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Triển khai quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ Ⅸ của Đảng. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅣ và Nghị quyết của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh. Phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tất cả cơ sở đảng, nâng cao vai trò và xứng đáng với vị trí của Đảng bộ.
Đại hội thống nhất về các nhiệm vụ tập trung trên các lĩnh vực chủ yếu:
1- Nhiệm vụ chủ yếu trong công tác chính trị tư tưởng là tích cực bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên và cán bộ, công chức nhằm kiên định 6 quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng, nhận rõ tình hình nhiệm vụ mới. Chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu các nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, của Tỉnh ủy. Tích cực bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đảng viên và cán bộ, công chức ngoài Đảng nhằm tạo sự thống nhất cao trong Đảng, kiên định mục tiêu lý tưởng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, củng cố lòng tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới; ngăn ngừa đảng viên có biểu hiện thoái hóa về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, chú trọng triển khai thực hiện Quy định của Bộ Chính trị (khóa Ⅷ) về chế độ học tập lý luận chính trị.
2- Củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chú trọng chỉ đạo kiện toàn tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa Ⅷ) gắn liền với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các sở, ban ngành, đơn vị của tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ lệ cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh một cách thực chất. Thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, có chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ. Tập trung chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên nhất là bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, năng lực thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức pháp luật, kiến thức hiểu biết, năng lực thực tiễn, giữ vững tư cách đảng viên. Khắc phục hiện tượng nể nang ngại va chạm, đơn thư mạo danh, chống lợi dụng chức quyền vi phạm kỷ luật, pháp luật. Chú trọng thường xuyên công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chăm lo công tác phát triển đảng viên trên cơ sở quán triệt Quy định 75-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa Ⅷ).
3- Nội dung kiểm tra chú trọng kiểm tra ý thức, năng lực chấp hành nghị quyết, thực hiện nguyên tắc, Điều lệ Đảng, thực hiện vai trò chức trách nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh. Giáo dục ngăn ngừa đảng viên vi phạm những điều đảng viên không được làm theo Quy định của Bộ Chính trị. Kiểm tra cơ sở đảng và đảng viên có dấu hiệu sai phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với cơ sở đảng và đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, xem thường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, gây mất đoàn kết nội bộ, lạm dụng quyền hạn trách nhiệm gây ảnh hưởng xấu.
4- Bám sát phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅣ, cụ thể hóa vào chức năng nhiệm vụ của sở ngành, đơn vị để lãnh đạo, kiểm tra thông qua nghị quyết của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Lãnh đạo tốt việc thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo hướng vào tập trung hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện tiến bộ, dân chủ, công bằng xã hội. Nghiêm túc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và chấn chỉnh lề lối làm việc, chống quan liêu, gây phiền hà, ách tắc. Phấn đấu không sai sót trong tham mưu, tổ chức thực hiện dẫn đến khiếu kiện.
5- Lãnh đạo ban chấp hành các đoàn thể phát huy tính năng động, khắc phục tính thụ động, biểu hiện hành chính, sự vụ; thể hiện tính nhiệt tình trách nhiệm tổ chức sinh hoạt, phát động phong trào thiết thực.
Đại hội đã thông qua những giải pháp chủ yếu của công tác xây dựng Đảng bộ: Coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng. Lãnh đạo kiểm tra thực hiện chức năng nhiệm vụ, cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng. Lãnh đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đảng viên ngăn ngừa sai phạm. Tập trung xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.
Đại hội đã quyết nghị một số chỉ tiêu chủ yếu: Các cơ quan, đơn vị sở ban ngành trong phạm vi Đảng bộ phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu hàng năm đạt 65% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh. Đến năm 2005 tỷ lệ này đạt hơn 70%. Phấn đấu không có cơ sở đảng xếp loại yếu kém, nhất là không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao gây ảnh hưởng xấu, lơi lỏng quản lý để đảng viên tham nhũng, vi phạm pháp luật, nội bộ mất đoàn kết. Phấn đấu kết nạp 270 đảng viên mới trong cả nhiệm kỳ. Bảo đảm hàng năm trên 75% đảng viên đạt tiêu chuẩn đủ tư cách phát huy tác dụng tốt. Tất cả cấp ủy cơ sở rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động. Tất cả cơ sở đảng đều có quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan và tổ chức thực hiện tốt. Lãnh đạo để bảo đảm 70% cơ sở công đoàn, cơ sở đoàn thanh niên đạt danh hiệu vững mạnh.
Công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới được Ban Thường vụ Đảng ủy và Tiểu ban nhân sự Đại hội chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đúng tiêu chuẩn cơ cấu theo Chỉ thị 54-CT/TW ngày 22/5/2000 của Bộ Chính trị. Coi trọng chất lượng chính trị, tiêu chuẩn đức và tài, không chạy theo bằng cấp, bảo đảm trẻ hóa và gắn với kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối gồm 25 đồng chí (4 nữ) trong đó có 10 đồng chí là Tỉnh ủy viên. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí: Huỳnh Thọ, Phan Chỉnh, Bùi Hữu Châu, Ngô Nguyên Thắng, Vũ Thị Hồng Thu, Lâm Đức Thanh, Bùi Ráng. Đồng chí Huỳnh Thọ tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Khối. Đồng chí Phan Chỉnh được tiếp tục giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối. Đồng chí Bùi Hữu Châu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ này có tỷ lệ nữ là 16% (nhiệm kỳ trước là 20%), độ tuổi dưới 35 là 8% (nhiệm kỳ trước là 0%), tuổi đời bình quân là 45,88 (nhiệm kỳ trước là 46,8). Trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học là 76% (nhiệm kỳ trước là 84%) trong đó có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ. Trình độ đại học, cử nhân, cao cấp chính trị là 72% (nhiệm kỳ trước là 44%).
Đại hội đã bầu 35 đồng chí đại diện cho Đảng bộ đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅣ .
Đến tháng 6/2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động luân chuyển 6 đồng chí trong Ban Chấp hành ra ngoài Đảng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, gồm các đồng chí: Bùi Ráng, Phạm Minh Chánh, Nguyễn Phùng Mỹ, Hoàng Văn Trường, Trần An Khánh, Nguyễn Chiến Thắng. Sau đó đồng chí Lâm Đức Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính nghỉ hưu. Do đó, đến giữa năm 2004, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính đảng tỉnh (thời điểm này Đảng bộ đã được đổi tên mới) còn 18 đồng chí. Đến tháng 12/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chỉ định bổ sung 2 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Khối gồm Phan Hồng Thái, Phan Văn Hồng. Tháng 9/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động chỉ định bổ sung đồng chí Phạm Minh Chánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh về nhận công tác tại Đảng ủy Khối, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối.
Trong suốt nhiệm kỳ Ⅳ, Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh được đổi tên thành Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh (từ năm 2003) luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy. Đảng bộ Khối luôn phát huy thuận lợi cơ bản theo đặc thù riêng so với các đảng bộ khác.
Tuy nhiên, Đảng bộ Khối vẫn có khó khăn hạn chế như cơ chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Khối với lãnh đạo các sở, ban, ngành chưa thật đầy đủ. Mặt khác trước diễn biến tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường; những tác động nhiều mặt của tình hình kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh, kể cả tác động của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, tiền lương và đời sống của cán bộ, công chức còn khó khăn ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Khối.
II. Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Ⅳ nhiệm kỳ 2001 - 2005
1- Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Đảng ủy Khối đặt trọng tâm chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Ⅸ của Đảng một cách nghiêm túc, có tính đổi mới và triển khai đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương từ Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 10 (khóa Ⅸ); các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên thể hiện sự thống nhất cao với đường lối, quan điểm, chính sách, giải pháp của Đảng và các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Trung ương do Tỉnh ủy đề ra.
Đảng ủy Khối cùng các cấp ủy cơ sở chú trọng thường xuyên việc động viên cổ vũ thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và cụ thể hóa biện pháp thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅣ và nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng giữa nhiệm kỳ. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối đồng tình về hướng quy hoạch, mở rộng liên kết, về những dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, quan tâm nhiều hơn những chủ trương, thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Việc tuyên truyền giáo dục thực hiện nhiệm vụ luôn gắn với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện, ngăn ngừa những sai phạm, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân.
Công tác tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực ở cơ sở đảng gắn với các sự kiện chính trị lớn, các dịp kỷ niệm lịch sử của đất nước, của địa phương, của ngành tạo hiệu quả giáo dục truyền thống, động viên và phát huy phong trào thi đua. Nổi bật là thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý và Chỉ thị của Tỉnh ủy về tổ chức các ngày lễ lớn năm 2000; quan tâm tiến hành Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công tác Tư tưởng - văn hóa của Đảng. Các đơn vị trong Đảng bộ Khối đã góp phần đáng kể trong công tác tuyên truyền quảng bá những thành tựu, tiềm năng, những triển vọng đầu tư phát triển của tỉnh, nổi bật nhất là dịp kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, kỷ niệm 15 năm ngày tái lập tỉnh Khánh Hòa, kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa...
Cùng với việc chú trọng quán triệt các nghị quyết của Đảng, Đảng ủy Khối đã tổ chức thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ việc học tập các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập về đạo đức cách mạng của Người, gắn với quán triệt Nghị quyết 17-NQ/TU của Tỉnh ủy về một số giải pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và chế độ trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức viên chức trong thi hành nhiệm vụ, phục vụ nhân dân. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chỉ đạo tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Số cán bộ, đảng viên học chương trình đại học, trung cấp lý luận chính trị tăng lên, chưa kể tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng chuẩn hóa cán bộ.
Với chủ trương chỉ đạo mỗi cấp ủy cơ sở phân công trách nhiệm đồng chí cấp ủy viên phụ trách tuyên huấn cơ sở đảng, đồng thời là báo cáo viên của cơ sở đảng và việc duy trì sinh hoạt thông tin tư tưởng định kỳ hàng tháng cho đội ngũ này đã phát huy hiệu quả nhất định. Hoạt động tuyên giáo của Đảng ủy Khối và các cấp ủy cơ sở đã chủ động hơn trong việc thông tin tình hình thời sự chính trị, định hướng tư tưởng theo chủ đề tư tưởng, sự kiện lớn trên thế giới, trong nước, trong tỉnh; đồng thời cơ bản nắm được tình hình tư tưởng, tâm trạng trong Đảng bộ. Qua đó thường xuyên giáo dục ý thức bảo vệ đường lối, quan điểm tư tưởng của Đảng, chống thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, ngăn chặn việc tán phát tài liệu xấu, làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch kích động vấn đề dân tộc, tôn giáo, vu cáo về nhân quyền, về kinh tế và xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hoạt động báo cáo viên ở cơ sở đảng có mặt tích cực và góp phần tạo kết quả tốt cho hội thi Báo cáo viên giỏi cấp cơ sở của Đảng bộ Khối và tham dự hội thi Báo cáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh của tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc.
Nhìn chung tình hình tư tưởng trong Đảng bộ Khối về cơ bản giữ vững ổn định, thể hiện tin tưởng vào đường lối, chính sách đổi mới, quan hệ đối ngoại rộng mở; nhận rõ tình hình phát triển của đất nước, phấn khởi về thành tựu và tiềm năng phát triển của tỉnh được khơi dậy và phát huy.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên quan tâm về những nguy cơ thách thức, lo ngại về cục diện an ninh thế giới, tình hình kinh tế - xã hội có không ít khó khăn, bức xúc nhất là biện pháp, hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vấn đề giải quyết khiếu kiện đền bù giải tỏa, chất lượng cải cách giáo dục, cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng mong muốn của nhân dân.
Một số cán bộ, đảng viên nhận thấy còn biểu hiện nể nang trong đánh giá và bố trí cán bộ, thiếu biện pháp chỉ đạo xem xét kiên quyết làm rõ trường hợp những cán bộ có nhiều nhà, đất. Một số đảng viên thể hiện sự băn khoăn về một số cán bộ thiên về chức quyền và lợi ích kinh tế, vật chất hơn là rèn luyện giữ bản chất giai cấp, nâng cao bản lĩnh chính trị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ với yêu cầu giữ đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
2- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Quán triệt quan điểm Nghị quyết Đại hội Ⅸ của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅣ , Tỉnh ủy đã xây dựng và thông qua một số nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2005; đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ⅩⅢ đề ra. Đây là một yêu cầu đặt ra cho Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh, các sở, ngành phải nâng cao tính thống nhất trong tư tưởng và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Tỉnh ủy.
Toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh đã tận dụng triệt để mọi thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu quan trọng. Nổi bật nhất là thành tựu về phát triển kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, nhiều chỉ tiêu kinh tế hoàn thành vượt mức kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ du lịch và công nghiệp. Các chỉ tiêu chủ yếu về thu ngân sách, doanh thu du lịch, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu đứng trong số các tỉnh, thành phố đi đầu trong cả nước. Riêng thu ngân sách hàng năm tăng nhanh, năm 2005 đạt 3.406 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2000. Tiềm năng thế mạnh của tỉnh bước đầu được phát huy, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế trong những năm tới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, đặc biệt đối với miền núi. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới.
Góp phần tích cực vào thành tích chung đó, Đảng ủy Khối đã lãnh đạo các cấp ủy đảng phối hợp cùng với lãnh đạo của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong Khối đề cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể các chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.
Bên cạnh đó, trên các lĩnh vực công tác khác, một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm được các cấp ủy phối hợp chỉ đạo hoàn thành tốt: tham mưu cho tỉnh tổ chức tổng kết 9 năm thực hiện công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới; 5 năm thực hiện công tác thi đua khen thưởng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện Luật Khiếu nại - Tố cáo, thực hiện Pháp lệnh Chống tham nhũng, thực hiện công tác Xóa đói giảm nghèo, công tác xã hội hóa hoạt động Thể dục thể thao; sơ kết 3 năm thực hiện công tác Phổ cập Trung học cơ sở... Một số sở, ngành đã tích cực thực hiện các giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” bước đầu đạt được kết quả khá tốt; quan tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nên năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý, trình độ công nghệ thông tin của đa số cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ngành ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ mới, bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp được sắp xếp một bước; các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. Từ những thành tích đó, nhiều đơn vị, tập thể và cá nhân trong Đảng bộ Khối đã được Trung ương và tỉnh khen thưởng. Đặc biệt, có nhiều đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, được Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc.
Đảng ủy Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
3- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng
Đảng bộ Khối luôn nhận thức sâu sắc vấn đề chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên luôn là yếu tố tạo nên chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, là uy tín của Đảng đối với quần chúng. Vì vậy việc xây dựng củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên là khâu then chốt, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối, làm tiền đề cho việc lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với tình hình thực tế của các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối.
Thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 31-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng kế hoạch, tổ chức làm điểm rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong toàn Đảng bộ tiến hành đại hội cơ sở đảng nhiệm kỳ 2000 - 2003. Trước khi tổ chức đại hội, tất cả cơ sở đảng đều được xét duyệt nghiêm túc về nội dung và công tác nhân sự chuẩn bị cấp ủy mới, gắn liền với kết quả đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng. Qua đại hội đã bầu 249 cấp ủy viên, trừ 1 trường hợp vi phạm nguyên tắc không được chuẩn y. Đội ngũ cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ này có độ tuổi bình quân trẻ hơn trước 4,04 tuổi và đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt đủ sức lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội.
Tại thời điểm Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ Ⅳ (tháng 12 năm 2000), toàn Đảng bộ có 61 cơ sở đảng. Đến cuối quý 2/2003, Đảng bộ có 64 cơ sở đảng gồm 17 đảng bộ và 47 chi bộ cơ sở. Đến đầu quý 3/2003 còn lại 63 cơ sở. Đến tháng 7/2003, số cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh lên 65 với tổng số đảng viên là 1.555.
Đầu tháng 5/2003, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối triển khai hướng dẫn đại hội cơ sở đảng nhiệm kỳ 2003 - 2005. Từ ngày 02/6/2003 đến ngày 30/9/2003 có 64 cơ sở đảng hoàn thành đại hội (có cơ sở đảng đã đại hội trước do mới thành lập).
Đại hội cơ sở nhiệm kỳ 2003 - 2005 trong Đảng bộ Khối đạt chất lượng tốt, bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo Chỉ thị 54-CT/TW của Bộ Chính trị.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy và các Ban chuyên môn cấp trên về công tác xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, hướng dẫn của Đảng ủy Khối làm cơ sở cho việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Tính chung trong nhiệm kỳ, xuất phát từ yêu cầu thực tế của nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã quyết định thành lập mới 19 tổ chức cơ sở đảng (thành lập mới 14 chi bộ, nâng 5 chi bộ lên thành đảng bộ); giải thể 3 chi bộ, chuyển 3 tổ chức cơ sở đảng. Đến đầu năm 2005, tổng số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối là 68. Đồng thời với củng cố tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối luôn chú trọng đến công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên, bảo đảm hoạt động của tổ chức đảng và phát huy vai trò của từng cấp ủy viên trên từng vị trí công tác. Các đồng chí Đảng ủy viên theo dõi các tổ chức cơ sở đảng theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành.
Trong nhiệm kỳ, hàng năm số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh đạt khá cao. So với năm 2000, năm 2004 số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng từ 76,7% lên 82,09%, cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ giảm từ 23,3% xuống còn 16,42%. Vẫn có 1 cơ sở đảng yếu kém trong năm 2002 và 2004. Công tác xây dựng chất lượng cơ sở đảng đã vượt so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra cho từng năm. Chỉ tiêu nhiệm kỳ 2000 - 2005 phấn đấu hàng năm đạt 65% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; đến năm 2005 tỷ lệ này đạt hơn 70%.
Ban Chấp hành Đảng bộ Khối xác định việc xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của đảng ủy, chi ủy, phân rõ trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ phối hợp công tác, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy và tổ chức đảng. Hoạt động của đảng ủy, chi ủy cơ sở đã đi vào nề nếp, vai trò vị trí được nâng lên, thật sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Nội dung sinh hoạt chi bộ cũng phong phú hơn, bao quát được nhiệm vụ chính trị, có trọng tâm trọng điểm, có chương trình hành động, có kế hoạch kiểm tra đôn đốc; hàng năm đều có sơ kết đánh giá mặt tốt và chưa tốt, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục, phấn đấu vươn lên. Có thể nói, đây là một tiến bộ vượt bậc qua nhiều năm phấn đấu của các tổ chức cơ sở đảng.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thì công tác nâng cao chất lượng đảng viên là vấn đề cơ bản tác động tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Kết quả hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong Đảng bộ Khối có ý nghĩa quan trọng tác động đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần quyết định chung đến tốc độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xác định việc nâng cao chất lượng đảng viên ngay từ khâu xét kết nạp đảng, bồi dưỡng lý luận cho lớp đảng viên mới, giúp họ nắm bắt quan điểm nghị quyết của Đảng, nguyên tắc sinh hoạt đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của người đảng viên. Việc phân tích chất lượng đảng viên hàng năm rất được chú trọng. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt cao: Năm 2000 chiếm 96,67%, năm 2001 chiếm 97,06%, năm 2002 chiếm 62,89%, năm 2003 chiếm 86,32%, năm 2004 chiếm 90,4% (trong tổng số 1.637 đảng viên). Từ thực tế nhiệm vụ được giao có thể khẳng định đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, vượt qua khó khăn và luôn trung thành với Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Đảng phân công. Được rèn luyện trong thực tiễn hoạt động, công tác, đa số đảng viên giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm, phát huy chức trách nhiệm vụ.
Nhằm nâng cao tính chiến đấu của đội ngũ đảng viên, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối không chỉ quan tâm về chất lượng mà còn quan tâm về số lượng. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 403 đảng viên mới, vượt so với chỉ tiêu 270 trong Nghị quyết Đại hội Ⅳ Đảng bộ Khối đề ra. Trong đó kể cả đợt chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 21/01/2000 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 25/02/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về kết nạp đảng viên mới nhân dịp 70 năm ngày thành lập Đảng” đạt kết quả tốt. Số đảng viên mới kết nạp có phẩm chất chính trị tốt, không vi phạm Quy định 75-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên cũng được chú trọng, thông qua việc chỉ đạo các cấp ủy cơ sở thực hiện nghiêm túc Quy định 17- QĐ/TW của Ban Tổ chức Trung ương về nhiệm vụ của đảng viên khi đi ra nước ngoài công tác và học tập. Quá trình triển khai thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị “về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” đạt được kết quả tích cực, góp phần cho việc thực hiện đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thực hiện trách nhiệm của mình trong tham gia ý kiến đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ theo chức năng, đã tham gia bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ là đảng viên thuộc các tổ chức cơ sở đảng trong Khối với 357 trường hợp, trong đó nhất trí 321 trường hợp. Nhìn chung các trường hợp do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tham gia và nhất trí bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy tác dụng tốt trên mỗi cương vị công tác mới được phân công, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị.
4- Công tác kiểm tra
Trong nhiệm kỳ, công tác kiểm tra được tăng cường theo hướng tiếp tục đổi mới nội dung và tổ chức hoạt động, nâng cao hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.
Về mặt nội dung của hoạt động kiểm tra, trên cả hai phương diện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy và nhiệm vụ kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối đều tập trung tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 14/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa Ⅷ) về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng; gắn với thực hiện Chương Ⅶ, Chương Ⅷ của Điều lệ Đảng (khóa Ⅸ); Quy định số 19-QĐ/TW ngày 03/01/2002 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 48-HD/TW ngày 12/4/2002 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm; đồng thời bám sát nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng là tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ; Nghị quyết 17-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Ⅸ, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 07/6/2001 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 01/10/2001 của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối đã có Nghị quyết số 01-NQ/ĐUDCĐ ngày 28/01/2002 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa Ⅷ nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết tập trung vào phương hướng trọng tâm: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức lối sống. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, khắc phục những biểu hiện chưa thật sự đoàn kết thống nhất nội bộ ở một số cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Ⅸ của Đảng, Nghị quyết Đại hội ⅩⅣ của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Ⅳ của Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh, các tổ chức cơ sở đảng rà soát bổ sung kịp thời chương trình hoạt động của cấp mình. Nghị quyết cũng đề cập rõ sự chỉ đạo nội dung cụ thể đối với các cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị hoạt động theo Quy định số 49, 51, 54-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa Ⅶ.
Qua kiểm tra thực hiện Kết luận số 01 và số 10 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đối với 15 cấp ủy và cơ quan nhận thấy các cấp ủy và lãnh đạo sở, ngành đều có kế hoạch, biện pháp, thời gian khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TW, 04-KH/TW ngày 06/6/2003 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 26/6/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Thường vụ Đảng ủy đã triển khai thực hiện ở tất cả cơ sở đảng và lập tổ kiểm tra của Ban Thường vụ Đảng ủy. Việc kiểm tra đánh giá từ năm 2001 đến tháng 6/2003 trên cơ sở thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, các văn bản của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có tác động tích cực về nhận thức, trách nhiệm và kiểm điểm, xử lý nghiêm túc một số ít trường hợp vi phạm. Kết quả kiểm tra chủ yếu nâng cao thêm ý thức chấp hành của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Chỉ thị, Pháp lệnh, Quyết định, Chính sách chế độ của Đảng và Nhà nước đã ban hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời nắm bắt một số vấn đề thực tiễn ở cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ cho sát với thực tế công tác.
Trong năm 2003, thực hiện kế hoạch công tác được Tỉnh ủy phân công, Ban Thường vụ Đảng ủy phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành kiểm tra ở 12 cấp ủy và cơ quan, đơn vị có vai trò tham mưu, điều hành thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy gồm kiểm tra thực hiện Chương trình phát triển giao thông nông thôn, Chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao cán bộ công chức đến năm 2010, Chương trình phát triển nhà ở, Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, Chương trình đào tạo nghề, Chương trình phát triển du lịch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, Chương trình kinh tế biển, Chương trình Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, Chương trình xanh, sạch, đẹp, văn minh, Chương trình thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Qua công tác kiểm tra giúp các sở, ngành rà soát lại kết quả thực hiện các Chương trình, thấy được những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, những nguyên nhân bất cập, yếu kém làm hạn chế kết quả, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó kiến nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đề ra giải pháp kịp thời điều chỉnh, bổ sung nâng cao tính khả thi của một số chương trình, phù hợp với điều kiện năng lực của tỉnh trong giai đoạn mới, bảo đảm các chương trình được phát huy.
Kiểm tra chuyên đề thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy đối với 14 cấp ủy và cơ quan trọng điểm. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đều đã triển khai chương trình cụ thể, chọn khâu, điểm để đột phá, đều đặt mạnh vấn đề cải cách thủ tục hành chính, bước đầu tạo chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao trách nhiệm trong xử lý công việc.
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, hệ thống tổ chức và cán bộ kiểm tra luôn được quan tâm củng cố kiện toàn. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác kiểm tra cho hơn 120 cán bộ kiểm tra của cấp cơ sở. Chỉ đạo xây dựng ban hành và thực hiện quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, đưa hoạt động kiểm tra đi dần vào nề nếp, khắc phục một bước về sự lúng túng, bị động trong công tác kiểm tra. Trong nhiệm kỳ 2000 - 2005, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối đã tiến hành tự kiểm tra cấp mình và kiểm tra cấp dưới gồm 163 lượt kiểm tra đối với tổ chức đảng, 698 lượt kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên. Xuất phát từ hoạt động có hiệu quả của ủy ban kiểm tra cơ sở góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy được dân chủ ở cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất đơn thư phản ảnh tố cáo nặc danh gây nghi ngờ nội bộ; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương được nâng lên, tạo sự ổn định ở cơ sở. Đặc biệt đã tạo một bước chuyển trong nhận thức của các cấp ủy cơ sở đối với công tác kiểm tra, coi công tác kiểm tra là của cấp ủy, là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở; khắc phục tư tưởng coi công tác kiểm tra là của ủy ban kiểm tra, khoán trắng cho ủy ban kiểm tra cơ sở, thay vào đó quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, có chỉ đạo chặt chẽ bằng chương trình kế hoạch kiểm tra hàng năm; nhờ đó đã góp phần tích cực trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, trong điều kiện biên chế cán bộ Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối ít, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã phân công cán bộ cơ quan chuyên trách cùng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, và trong một số trường hợp đã vận dụng kết hợp thực hiện kiểm tra chuyên đề với thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng.
Mặt khác thực hiện theo Điều 32 và các điều trong Chương Ⅶ, Chương Ⅷ của Điều lệ Đảng quy định, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo kịp thời tiến hành kiểm tra, kiểm điểm đối với 4 tổ chức cơ sở đảng và 23 cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xem xét giải quyết 35 đơn thư tố cáo đối với đảng viên. Qua đó, đã xử lý hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý kỷ luật. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Khối đã xử lý kỷ luật 23 đảng viên, trong đó khiển trách 9, cảnh cáo 7, cách chức 2, khai trừ ra khỏi Đảng 5 đảng viên. Ngoài ra có 11 đảng viên do cấp tỉnh xử lý kỷ luật.
Nhìn chung, từ những chủ trương, nhiệm vụ công tác kiểm tra được Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo, Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy Khối vận dụng chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ đã làm cho nội dung công tác kiểm tra của Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh đa đạng và sâu sát hơn với cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, qua kiểm tra các cấp ủy cơ quan sở, ban, ngành về thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, phát hiện đề xuất với lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết những phát sinh vướng mắc, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển tỉnh nhà.
5- Công tác lãnh đạo đoàn thể
Trong điều kiện đặc thù của Đảng bộ Khối, nhiệm vụ lãnh đạo công tác đoàn thể thời gian qua luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy và các cấp ủy cơ sở tập trung chỉ đạo: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, chú trọng củng cố xây dựng tổ chức ở cơ sở vững mạnh, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn thể; duy trì tốt nề nếp sinh hoạt; giữ vững các phong trào hành động cách mạng; tham gia tích cực các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của đất nước; các cuộc vận động của tỉnh và Trung ương chỉ đạo; bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị phát động mạnh mẽ phong trào thi đua, tuyên truyền cổ vũ toàn thể đoàn viên, hội viên phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối duy trì chế độ làm việc với Ban Thường vụ Đoàn Khối định kỳ hàng quý, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, củng cố tổ chức đoàn ở cơ sở và kiện toàn nhân sự Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Khối để bảo đảm công tác chỉ đạo và hoạt động phong trào thanh thiếu niên.
Đoàn Khối luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy và Tỉnh đoàn, chú trọng tập trung triển khai cho đoàn viên thanh niên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, 6 bài Lý luận chính trị; giáo dục giác ngộ chính trị, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng lý tưởng, ý thức văn hóa và thẩm mỹ cho tuổi trẻ.
Vận dụng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn; hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Xây dựng chi đoàn mạnh” và “Đoàn viên phấn đấu sớm trở thành đảng viên”; số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng năm sau luôn cao hơn năm trước; tổ chức thành công Đại hội Đoàn Dân Chính Đảng nhiệm kỳ Ⅳ (2002 - 2007); triển khai phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Thanh niên xung kích tham gia công cuộc cải cách hành chính nhà nước, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp”; phong trào thi đua lao động, làm chủ khoa học công nghệ, tổ chức các phần việc, công trình thanh niên; phong trào thanh niên tình nguyện ; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”; phong trào bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn cơ quan, đơn vị... Ngoài ra, trong điều kiện còn khó khăn về cán bộ và kinh phí, nhưng Đoàn Khối đã duy trì nhiều hoạt động sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh, có tác dụng giáo dục cho đoàn viên thanh niên.
Qua chỉ đạo và đánh giá hàng năm của các cấp ủy cơ sở, công tác công đoàn và phong trào công nhân viên chức - lao động ở các cơ quan đơn vị được duy trì và có bước phát triển tốt. Thông qua việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cơ sở đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo cơ cấu nhân sự của công đoàn tham gia cấp ủy cơ sở để bảo đảm xuyên suốt sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn. Các cấp ủy cơ sở thường xuyên chỉ đạo giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm chỉ đạo các tổ chức công đoàn tập trung đại hội cấp cơ sở; phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, các hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi, thực hiện các công trình mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện lớn của đất nước và tỉnh nhà.
Nhìn chung, các cấp công đoàn và đoàn thanh niên trong Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh đã thể hiện vai trò tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và xây dựng cơ quan văn hóa. Với những kết quả hoạt động và phấn đấu, hàng năm tỷ lệ tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên ở cơ sở đạt loại khá và vững mạnh trên 80%; Công đoàn Viên chức tỉnh và Đoàn Khối cơ quan Dân chính đảng tỉnh giữ vững danh hiệu là đơn vị vững mạnh xuất sắc được cấp trên khen thưởng.
Bên cạnh những kết quả cơ bản, tích cực trong nhiệm kỳ, song cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm:
Nội dung thông tin định hướng tư tưởng cho đảng viên còn hạn hẹp, chưa kịp thời. Tổ chức học tập nghị quyết chưa đáp ứng với yêu cầu các nhóm đối tượng, trình độ đảng viên. Đảng ủy cấp trên không có điều kiện đáp ứng nguồn tài liệu cho đảng viên nghiên cứu học tập nghị quyết. Việc nắm tình hình tư tưởng trong Đảng bộ Khối chưa đầy đủ, chưa thật sâu sát.
Một số cấp ủy chưa thể hiện đúng mức vai trò lãnh đạo và phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của tỉnh do sở, ngành, cơ quan, đơn vị mình đảm trách, dẫn đến một số chương trình triển khai chậm, hiệu quả không cao. Công tác chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đấu tranh chống quan liêu, nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí chưa mạnh.
Trong đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, tính thẳng thắn phê bình góp ý của một số đảng viên chưa được đề cao, nhất là số đảng viên trẻ còn nể nang, ngại va chạm. Phần lớn số đảng